Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Trước mắt chỉ nên kéo dài giải ngân vốn đầu tư Chương trình phục hồi đến hết năm 2024
Nguyễn Lê - 12/10/2023 20:21
 
Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên gia hạn theo từng năm, bây giờ cho kéo dài đến tận 2025 thì sẽ ỷ lại, có khi kéo đến tận năm 2026, 2027 chưa xong.
.
Phiên họp chiều 12/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng ý kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trước mắt kéo dài đến hết năm 2024.

Chiều 12/10, trong phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) đã nêu một số đề xuất, kiến nghị.

Theo đó, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025.

Vì hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (175.217,783 tỷ đồng).

Trường hợp không cho phép tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình sau ngày 31/12/2023 có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án. Điều này có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do phải bố trí thêm cho các dự án thuộc Chương trình chưa hoàn thành.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, về cơ bản phải cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình. Nhưng để thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, ông Huệ đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tính thêm với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) Vũ Hồng Thanh trước mắt là cho kéo dài đến hết 2024, kỳ họp Quốc hội tháng 10 sang năm tính tiếp.

“Nếu còn khoản nào đó thì lúc đó Quốc hội cho kéo dài tiếp, gia hạn theo từng năm như thế. Bây giờ cho đến tận năm 2025 thì sẽ ỷ lại, có khi kéo đến tận năm 6, 2027 chưa xong”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, “khoản liên quan đến đầu tư phát triển nếu cho đến năm 2024 thì sợ ngắn quá”.

Ông cho biết, hiện nay có một số dự án quan trọng quốc gia hay liên vùng, có dự án mới trong thủ tục, có dự án còn chưa xong, có dự án bây giờ mới bắt đầu giải ngân.

Ví dụ cao tốc Bắc - Nam cần 3.019 tỷ đồng, cầu Đại Ngãi 2-3 hôm nữa khởi công là 1.260 tỷ đồng, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu 4.500 tỷ, quốc lộ 4B ở trên Lạng Sơn là 1.557 tỷ, “trong một năm sợ không giải ngân hết được nên Chính phủ cũng xin là đến 2025”, ông Dũng nói.

Riêng khoản đầu tư phát triển cho kéo dài giải ngân hết năm 2025 thì phù hợp, khả thi và thực tế nhất, đảm bảo hiệu quả và vừa giải ngân hết được nguồn vốn theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng nói tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hơn ai hết hiểu được khả năng có thể giải ngân được nguồn vốn này. Nhưng Nghị quyết 43 chỉ cho phép giải ngân trong 2 năm 2022, 2023, bây giờ kéo dài thêm 1 năm thì cũng cho phép kéo dài nhưng chỉ sợ như Bộ trưởng nói, cho kéo dài rồi nhưng cũng lại không kịp thì phải kéo dài tiếp nữa.

“Nếu như thế thì cứ cho kéo dài đến năm 2024 đã, một năm sau nữa thấy cần thiết thì lại cho kéo dài tiếp”, ông Thanh nêu quan điểm.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gút lại, có thể tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân đến năm 2024. Sau năm 2024 tiếp tục báo cáo tiếp để giải ngân năm 2025.

Đây là một Chương trình lớn thuộc thẩm quyền Quốc hội, cần báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định, ông Hải nói rõ.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ và toàn diện việc thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 43, như tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, kết quả huy động các nguồn lực và kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách đặc thù theo nghị quyết.

Đánh giá số vốn đã giải ngân trong các lĩnh vực y tế, hiệu quả tình hình giải ngân cho việc đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; tình hình và kết quả triển khai cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, hiệu quả và tác động chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách. Kết quả việc thực hiện hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Cần đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bao gồm cả nguyên nhân chậm ban hành các văn bản hướng dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 43 chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng hiệu quả thấp, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đề xuất kéo dài giải ngân vốn Chương trình phục hồi đến hết năm 2025
Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư