Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Truyền hình OTT, MobileTV quật khởi
Tú Ân - 03/10/2020 09:29
 
Truyền hình Internet (OTT), truyền hình di động (MobileTV) đang tăng trưởng nhanh chóng, có dấu hiệu trở thành đối thủ của truyền hình truyền thống.
.
Truyền hình OTT, MobileTV có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Thâm nhập nhanh, giá rẻ

Rất có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa “gã khổng lồ” Netflix sẽ tung gói xem truyền hình giá rẻ trên smartphone tại thị trường Việt Nam. Nền tảng xem video trực tuyến lớn nhất thế giới này đang thúc đẩy các kế hoạch đăng ký thuê bao chỉ dành cho di động, cũng như mở rộng phần nội dung địa phương tại thị trường Đông Nam Á. Hiện công ty này đã tung ra các gói thuê bao chỉ dành cho điện thoại di động tại Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia, với mức giá chỉ vỏn vẹn chưa đến 5 USD/tháng. Thị trường Việt Nam không nằm ngoài kế hoạch lớn đó.

Nếu chiến lược này trở thành hiện thực, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ sôi động và cạnh tranh quyết liệt. Nó cũng phản ánh một thực tế là phương thức truyền hình di động và truyền hình OTT sắp bùng nổ.

Trên thực tế thì truyền hình OTT bắt đầu xuất hiện đồng loạt từ năm 2016, khi các đơn vị truyền hình trả tiền như SCTV, VTVcab, K+, VTC, VNPT, Clip TV… cung cấp dịch vụ. Chỉ một năm sau, năm 2017 đã có tới 722.000  thuê bao và năm 2018 là hơn 1,277 triệu thuê bao.

Còn MobileTV do các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT Mobifone, FPT… cung cấp cũng đạt 387.000 thuê bao năm 2016 và tăng vọt hơn gấp 2 lần, đạt hơn 814.000 thuê bao năm 2017.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Phát thanh - Truyền hình và  Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện cả nước có 13,8 triệu thuê bao truyền hình với 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền là truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, MobileTV và truyền hình OTT. Trong đó, truyền hình OTT đạt 1 triệu thuê bao và Mobile TV có khoảng 480.000 thuê bao.

Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang triển khai cung cấp thêm dịch vụ truyền hình OTT. Trong số 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT. Đây là dịch vụ giúp đáp ứng xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng. 

Truyền hình OTT, MobileTV có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi 3 loại hình truyền hình khác đang bão hòa, lượng thuê bao và doanh thu giảm. Doanh thu của dịch vụ truyền hình OTT đã tăng gấp 5 lần trong thời gian 2017 - 2019, đạt khoảng 120 tỷ đồng, tuy chưa phải quá lớn so với cơ cấu doanh thu toàn thị trường, nhưng đã phản ánh một sự thay đổi lớn, khiến các nhà cung cấp khác phải tính toán lại con đường phát triển của mình.

.
.

Lợi thế lớn nhất của 2 loại hình này là khách hàng có thể xem mọi nơi, mọi lúc, không cần đầu tư thiết bị đầu cuối mà chỉ cần smartphone, tablet là có thể kết nối qua Internet, 3G, 4G. Đặc biệt là giá thuê bao rất rẻ, điển hình như thuê bao truyền hình Internet K+ TVBOX chỉ cần đăng ký các gói phù hợp với mức giá 15.000 - 49.000 đồng/tháng, trong khi giá thuê bao qua đầu thu, TVBox là 125.000 đồng/tháng; hay như VTVcab ON cung cấp dịch vụ truyền hình trên 4 nền tảng, giá thuê bao chỉ từ 66.000 đồng/tháng cho 4 thiết bị cùng xem.

Thị trường sẽ thay đổi lớn

Theo ông Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCTV, việc chuyển thuê bao sang dịch vụ OTT được coi là mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp truyền hình trả tiền, đặc biệt là ở các quốc gia có Internet tốc độ cao với mức giá phải chăng.

“Để phù hợp với xu thế hiện nay, các đài truyền hình phải sáng tạo hơn về mặt nội dung, tạo ra các chương trình hấp dẫn đối với khán giả, nhất là giới trẻ. Một số đài như K+, FPT Telecom, MobiFone… cũng bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm truyền hình trực tuyến, dựa trên nền tảng Internet để người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Mức phí của gói tivi trực tuyến này cũng tương đương với các gói dịch vụ truyền hình truyền thống mà các đài này cung cấp”, ông Huy cho biết.

Trên thực tế thì bấy lâu nay, các nhà đài đang xem truyền hình OTT, MobileTV như một dịch vụ tăng thêm nhằm tối đa hóa khai thác lợi nhuận hoặc để giữ chân khách hàng. Nhưng hiện tại câu chuyện đã khác, sự dịch chuyển mới này đang là hồi chuông báo động cho các nhà đài.

Ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV cho rằng, đây là thời điểm để dịch chuyển truyền hình truyền thống sang truyền hình OTT.

Nhưng để phát triển truyền hình OTT, MobileTV cũng không hề đơn giản. Đầu tiên là vấn đề kỹ thuật, hạ tầng dành cho 2 loại hình này phải đầu tư để giải quyết vấn đề độ trễ, băng thông, tăng tốc khả năng kết nối và an toàn dữ liệu, đảm bảo cung cấp dịch vụ không gián đoạn. Bên cạnh đó là chi phí đầu tư cho việc làm nội dung trên OTT cũng không nhỏ. Nhiều nhà cung cấp có tiềm lực muốn thu hút thuê bao đã phải đầu tư sản xuất phim riêng, hay mua các bản quyền thể thao có đủ quyền phát trên mọi nền tảng. Họ phải giải bài toán chi phí gia tăng, trong khi doanh thu từ dịch vụ OTT, MobileTV không đáng kể, do đó cuộc chơi mới này chỉ có thể dành cho những nhà đài giàu tiềm lực.

Một vấn đề không kém phần quan trọng mà các nhà cung cấp truyền hình OTT, MobileTV như Viettel, VNPT - VinaPhone, FPT, SCTV… phải giải quyết là bù chéo dịch vụ Internet và truyền hình. Hiện một số các nhà cung cấp đang bán các gói cước Internet khuyến mại dịch vụ truyền hình hoặc ngược lại. Việc bù chéo sẽ tạo ra một hệ sinh thái người dùng hoặc tạo cho người dùng quen dần một sản phẩm mới.

PayTV đề nghị "dẹp loạn" truyền hình xuyên biên giới
Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ để đề xuất sớm xử lý, ngăn chặn các trang mạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư