Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Truyền hình trả tiền trước ác mộng OTT xuyên biên giới
Hữu Tuấn - 09/01/2021 07:39
 
Truyền hình trên nền tảng Internet (OTT) xuyên biên giới sẽ tiếp tục lấn át, cạnh tranh không bình đẳng, đe dọa sự tồn vong của doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong năm 2021.
Điều các doanh nghiệp truyền hình trả tiền hiện nay mong mỏi là một môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Điều các doanh nghiệp truyền hình trả tiền hiện nay mong mỏi là một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Truyền hình trả tiền xuyên biên giới lấn át

Năm 2020 chứng kiến làn sóng gia nhập thị trường thứ 2 của truyền hình OTT xuyên biên giới, sau làn sóng thứ nhất của Netflix, iFlix… Đó là các ứng dụng truyền hình OTT xuyên biên giới như iQIYI, WeTV, Disney+, Amazon…

Theo báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, doanh thu của 36 doanh nghiệp truyền hình trả tiền đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm 2019. Riêng với dịch vụ truyền hình OTT, 21 doanh nghiệp trong nước đạt doanh thu 150 tỷ đồng, với 1,3 triệu thuê bao.

Trong khi đó, 5 doanh nghiệp OTT xuyên biên giới nước ngoài có 1 triệu thuê bao ở Việt Nam và đạt doanh thu khoảng 800 tỷ đồng trong năm 2020. Con số này cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc truyền hình OTT mà ưu thế đang nghiêng hẳn về các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện giá truyền hình trả tiền thấp, với mức bình quân hơn 40.000 đồng/thuê bao/tháng, nên ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường truyền hình trả tiền. Hiện tại, cơ quan quản lý không can thiệp, vì đây là loại hình dịch vụ không do Nhà nước quản lý về giá theo Luật Giá.

“Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu xuyên biên giới đang cạnh tranh mạnh với các doanh nghiệp trong nước, nhưng chưa bị quản lý (cấp phép, đóng phí, thuế, biên tập nội dung…) như các doanh nghiệp phát thanh, truyền hình trả tiền trong nước, nên việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước không cùng mặt bằng. Các tổ chức nước ngoài, đại sứ quán luôn tìm đủ mọi cách để can thiệp, tạo áp lực khi cơ quan quản lý có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc sản phẩm FPT Play chia sẻ: “Các dịch vụ OTT xuyên biên giới không phải trả nghĩa vụ thuế, giúp họ có thể sử dụng nguồn ngân sách này cho việc đầu tư vào marketing cũng như sản xuất các nội dung gốc thu hút người dùng mà không chịu kiểm duyệt, cho phép họ có thể linh động hơn trong việc sản xuất nội dung. Nếu Nhà nước không hành động sớm và quyết liệt, thì việc doanh nghiệp nội thua ngay trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Còn theo ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), truyền hình OTT xuyên biên giới khi vào Việt Nam không xin cấp phép theo quy định quản lý của Việt Nam, không chịu sự kiểm duyệt, biên tập nội dung như doanh nghiệp truyền hình Việt Nam, trong khi công nghệ tiên tiến và năng lực tài chính hơn hẳn doanh nghiệp Việt.

“Nội dung trong nước dù doanh nghiệp có cải tiến bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu cũng khó cạnh tranh nổi. Ví dụ, 5 năm trở lại đây, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị sản xuất nội dung truyền hình OTT rất nhiều, nhưng cũng không thể nào so sánh được với những kho tư liệu khổng lồ như Netflix, Facebook. Đấy là những khó khăn rất lớn, khiến doanh nghiệp trong nước chịu thua trên sân nhà”, ông Cường nói.

Ứng xử như thế nào với truyền hình OTT

Điều các doanh nghiệp truyền hình trả tiền hiện nay mong mỏi là một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (sở hữu kênh truyền hình MyTV) đề xuất, cơ quan quản lý cần áp dụng biện pháp ngăn chặn truyền hình xuyên biên giới phát vào Việt Nam bằng cách yêu cầu nhà mạng dừng cung cấp dịch vụ CDN (máy chủ lưu trữ dữ liệu) cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài…

Đại diện Truyền hình MobiTV thì cho rằng, các nhà đài OTT Việt Nam đang vừa yếu về nội dung, về tiềm năng tài chính, vừa phải tuân thủ các cơ chế chặt chẽ, dẫn đến sức cạnh tranh yếu đi rất nhiều. Việc xây dựng cơ chế chặt chẽ với hành lang pháp lý và chế tài là điều cần thiết. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải được đối xử bình đẳng, công bằng, thậm chí có thể hợp tác với nhau để khai thác thị trường. Ở một số quốc gia, các dịch vụ xuyên biên giới có thể hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước để cung cấp các nội dung phù hợp trên nền tảng hạ tầng công nghệ và thanh toán.

Theo ông Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCTV, cái khó nhất hiện nay là những bất cập từ quản lý. Cạnh tranh OTT trong nước và nước ngoài rất khó khăn và không sòng phẳng, đặc biệt là về thuế và kiểm duyệt. Các doanh nghiệp viễn thông và truyền hình phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các yếu tố xã hội tại thị trường mới cũng như thị trường truyền thống, để từ đó tiến hành phân đoạn thị trường, đưa ra được những giải pháp riêng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

“Cho đến giờ, nhu cầu bức thiết nhất để tạo ra một sân chơi công bằng hơn là phải có những quy định phù hợp cho các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới. Hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước được cấp phép đều có chung một nguyện vọng là, không phải cấm OTT xuyên biên giới, nhưng yêu cầu họ phải thực hiện giống như các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước”, ông Lê Đình Cường đề xuất.

Có lẽ, cùng với việc đưa về một sân chơi bình đẳng, các nhà đài Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực hơn để cạnh tranh sòng phẳng bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất nội dung mới lạ, hấp dẫn. Bởi suy cho cùng, khách hàng mới là người quyết định việc sử dụng dịch vụ. Nếu dịch vụ không đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thì sớm muộn, truyền hình OTT nội sẽ tự chết trước khi bị đối thủ bóp chết.

Truyền hình trả tiền năm 2020: Trận “thư hùng” giữa các đối thủ nội - ngoại
Sự xuất hiện của hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam đang gia tăng áp lực lên thị trường vốn đã đầy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư