Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TS. Cấn Văn Lực: Tỷ giá không đáng lo trước tác động của Brexit
Thùy Liên - 25/06/2016 10:28
 
Thị trường tài chính ngày hôm qua đã phản ứng tức thì với sự kiện nước Anh bỏ phiếu rời bỏ EU (Brexit): Chứng khoán đỏ lửa, mất 22 điểm; vàng tăng mạnh; tỷ giá biến động. Trao đổi với báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhận định về những tác động của Brexit tới Việt Nam thời gian tới.

Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của thị trường tài chính Việt Nam trong ngày đầu tiên diễn ra sự kiện Brexit, liệu tác động này là do nguyên nhân thực hay do yếu tố tâm lý?

Trong ngày đầu tiên nước Anh chính thức bỏ phiếu rời châu Âu, thị trường vàng trong nước tăng mạnh trong khi chứng khoán giảm mạnh. Diễn biến này có cả nguyên nhân tâm lý lẫn nguyên nhân khách quan. Cụ thể, Brexit khiến giá vàng thế giới tăng mạnh còn thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, dẫn đến thị trường vàng và chứng khoán trong nước phản ứng theo. Khi thị trường tài chính toàn cầu bất ổn, người dân và nhà đầu tư có tâm lý tìm đến vàng để trú ẩn là điều đương nhiên, dẫn đến giá vàng tăng. Còn đối với chứng khoán trong nước, việc lao dốc mạnh ngoài tác động của thị trường thế giới thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là yếu tố tâm lý.

Riêng với tỷ giá, trong ngày đầu tiên Brexit, tỷ giá đã tăng vọt buổi sáng do yếu tố tâm lý nhưng sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt đầu giờ chiều. Về cơ bản, tôi cho rằng tỷ giá vẫn sẽ ổn định thời gian tới do cung cầu vẫn được đảm bảo.

Tóm lại, với Việt Nam, tác động của Brexit là tương đối, không phải ít song cũng không phải là quá lớn, xét cả về ngắn hạn lẫn trung, dài hạn. Trong đó, về ngắn hạn, ảnh hưởng lớn trước mắt sẽ là thị trường chứng khoán vàng.

Sự kiện Brexit đang gây biến động mạnh tới nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Theo đó, đồng Bảng Anh, đồng euro lao dốc mạnh còn đồng USD, Yên Nhật… lại có xu hướng tăng. Đồng Yên và USD trên thị trường tự do nước ta cũng có dấu hiệu tăng. Liệu tỷ giá trong nước có ổn định kéo dài?

 Tuy tác động của Brexit với Việt Nam không quá lớn, song tất nhiên NHNN phải theo dõi chặt chẽ thị trường trong vài tuần tới bởi vì đồng Bảng Anh và euro vẫn đang trong xu thế mất giá, còn Yên Nhật, USD sẽ lên giá.

Đáng mừng là hiện nay NHNN đã điều hành tỷ giá theo rổ tiền tệ chứ không chỉ neo theo đồng USD. Khi điều hành theo rổ tiền tệ, có đồng tiền tăng giá, có đồng tiền xuống giá nên tính tổng sẽ không thay đổi nhiều. Như tôi nói, tỷ giá biến động vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý.

Tôi vẫn cho rằng, tỷ giá thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, nhất là hiện nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải rất cân nhắc với việc nâng lãi suất đồng USD, nếu tăng Fed cũng chỉ tăng rất nhẹ vào tháng 9 hoặc cuối năm nay.

Thương mại Anh – Việt Nam không lớn, song thương mại Việt Nam – EU lại chiếm tỷ trọng khá lớn. Việc đồng euro mất giá có ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay, xuất khẩu Việt Nam sang Anh chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch song xuất khẩu sang EU chiếm tới 15-20%. Nếu thanh toán bằng euro thì hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn trước. Tuy nhiên, đa số đơn hàng xuất khẩu của nước ta đều thanh toán bằng USD. Vì vậy, USD tăng giá, uuro mất giá sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ với khu vực này và sẽ hạn chế sức mua của người dân.

Bên cạnh quan hệ thương mại, việc euro mất giá cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đầu tư, du lịch của Việt Nam – EU cũng như Việt Nam và Anh. Bên cạnh đó, do nước Anh đã rời khỏi EU, doanh nghiệp nước ta khi giao dịch có thể sẽ phải chịu phát sinh thêm chi phí trung gian Anh – EU.

Phiên 24/6: Hết hồn với Brexit!
Lo ngại Brexit, nhà đầu tư trong nước đã hoảng loạn khiến thị trường lao dốc trong phiên sáng. Tuy nhiên, trong phiên chiều sau khi Brexit chính thức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư