Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
TS. Nguyễn Đình Cung: Đây chưa phải là lúc bàn đến chuyện tăng thu cho ngân sách
Thanh Huyền - 08/08/2023 16:06
 
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách miễn, giảm thuế VAT đến hết năm 2025, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Chí Cường)

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” diễn ra chiều ngày 8/8, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định.

“Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam thì mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi”, ông Cung nói.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, ông chưa thấy cải cách, thay đổi bên trong đủ bù đắp khó khăn từ bên ngoài.

“Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông nói. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp.

Nhận định trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT.

“Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kỳ vọng.

Vấn đề quan trọng hơn cả, theo vị chuyên gia này, đó là cải cách môi trường kinh doanh. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. “Thời gian gần đây không có những thứ như thế, thậm chí có những thứ tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Dẫn chứng, ông cho biết các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi.

“Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, ông Cung nêu.

Bên cạnh đó, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí.

Ông Cung cho rằng, không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, nhưng có thể chọn 2 vấn đề để thực hiện ngay.

"Tôi đề xuất 2 điểm nóng cần gỡ ngay, đó là hoàn thuế VAT và vấn đề PCCC", ông Cung nói và  cho biết, theo kinh nghiệm của ông thì Thủ tướng phải đích thân xuống làm việc để tháo gỡ vướng mắc.

"Đây chưa phải là lúc bàn đến chuyện tăng thu cho ngân sách", TS. Cung thẳng thắn kiến nghị.

Kinh tế dù đã có chuyển biến, nhưng còn khó, cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đó là nhận định của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 diễn ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư