Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
TTC và Gulf khánh thành hai nhà máy điện mặt trời tại Tây Ninh
Thùy Vinh - 19/06/2019 18:16
 
Ngày 19/6/2019, Tập đoàn TTC và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC số 01 và TTC số 02 tại Khu Công nghiệp Thành Thành Công thuộc ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cách Thành phố Tây Ninh 57,1 km và cách TP.HCM 48,3 km.
.
Ngày 19/6/2019, TTC và Gulf khánh thành hai nhà máy điện mặt trời tại Tây Ninh

Theo đó, Nhà máy Điện mặt trời TTC số 01 được xây dựng trên diện tích 69,5 ha, trong đó diện tích để lắp đặt hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời là 42,53 ha, có quy mô 68,8 MWp, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, chính thức bắt đầu thi công san lấp mặt bằng cùng các hạng mục vào ngày 25.5.2018.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả của Ban Quản lý dự án, đội ngũ Cán bộ Nhân viên cùng sự phối hợp trách nhiệm từ các Nhà thầu uy tín, sau gần 10 tháng thi công, dự án được đưa vào vận hành thương mại vào ngày 06.3.2019. 

Nhà máy cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện khoảng 106 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tương đương của khoảng 87.347 hộ dân, làm giảm thải ra môi trường khí CO2 khoảng 85,45 tấn/năm, tổng số lượng tấm pin được lắp đặt là 208.500 tấm, công suất mỗi tấm pin là 330 W. 

Nằm liền kề đó, Nhà máy Điện mặt trời TTC số 02 được xây dựng trên diện tích 50,06 ha, diện tích để lắp đặt hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời 39,22 ha với quy mô 50 MWp, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Nhà máy chính thức bắt đầu thi công san lấp mặt bằng cùng các hạng mục vào ngày 10.8.2018 và chỉ sau hơn 8 tháng, dự án được đưa vào vận hành thương mại ngày 19.4.2019.

Nhà máy cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện khoảng 78 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tương đương của khoảng 63.669 hộ dân, làm giảm thải ra môi trường khí CO2 khoảng 62,29 tấn/năm, tổng số lượng tấm pin được lắp đặt là 151.500 tấm, công suất mỗi tấm pin là 330 W. 

Nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra, Tập đoàn TTC và Tập đoàn Gulf đã hợp tác, đồng hành cùng các Đơn vị Nhà thầu kinh nghiệm, có thương hiệu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cụ thể, Công ty TNHH JGC Việt Nam là Đơn vị tổng thầu EPC, Công ty TNHH Artelia Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công là Đơn vị tư vấn giám sát. Riêng dự án Điện mặt trời TTC số 01 có thêm Nhà thầu thi công đường dây 110 kV là Công ty TNHH Hoàng Việt Hùng.

Phát biểu tại sự kiện, đại diện Tập đoàn TTC cho biết: “TTC đang gấp rút cùng nhiều Doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án mới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự đồng hành hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành liên quan cùng việc đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ngành năng lượng TTC đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.”

Chia sẻ lý do chọn Gulf là đối tác liên doanh, đại diện TTC cho rằng, “Tập đoàn Gulf và TTC có tầm nhìn, giá trị cốt lõi tương đồng đó chính là Phát triển bền vững. TTC luôn chú trọng phát triển đồng bộ các dạng năng lượng, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị hoạt động sản xuất kinh doanh, củng cố và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, hai dự án này chính thức khánh thành sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường ở mức tối đa có thể.”

Đồng quan điểm, tại buổi lễ, đại diện của Tập đoàn Gulf khẳng định: “Gulf kỳ vọng sẽ cống hiến, tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi thời tiết, bảo toàn nguồn năng lượng và xây dựng các nguồn năng lượng xanh - đặc biệt là tại Việt Nam. Chúng tôi muốn duy trì sự tăng trưởng liên tục ở đất nước các bạn bởi đây là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á và nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng với tốc độ cao”.

Vị đại diện trên còn cho biết: “Gulf đánh giá cao Tập đoàn TTC - đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và vinh dự khi được là đối tác liên doanh để triển khai hai Nhà máy này. Với vai trò là nhà đồng đầu tư, chúng tôi đảm nhiệm công tác giám sát địa điểm kỹ thuật và quản lý dự án năng lượng mặt trời. Đội ngũ nhân viên Gulf được chúng tôi luân chuyển từ trụ sở tại Thái Lan để làm việc toàn thời gian tại Việt Nam nhằm duy trì quy trình làm việc liên tục và đảm bảo tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng trong giai đoạn xây dựng và vận hành. Đồng thời, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn triển khai các dự án thành công, chúng tôi cam kết tập trung nguồn lực tốt nhất để vận hành hai Nhà máy an toàn - hiệu quả, đồng thời làm tiền đề cho sự hợp tác lâu dài giữa đôi bên.”

Hiện nay, với lộ trình trở thành một trong những tổ chức tư nhân hàng đầu về năng lượng sạch ở Việt Nam, Tập đoàn TTC là một trong những Nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi liên tiếp đưa vào vận hành thương mại các dự án điện mặt trời.

Chỉ trong thời gian ngắn, ngành năng lượng TTC đã chính thức đóng điện và đưa vào vận hành thành công 7 Nhà máy thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo song song với việc vận hành chuyên nghiệp 16 Nhà máy thủy điện, 9 Nhà máy đồng phát nhiệt điện từ bã mía.

Được biết, Tập đoàn Năng lượng Gulf là Tập đoàn sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan, với danh mục sản phẩm bao gồm các dự án điện, dự án vận hành hơi nước và nước lạnh, và các lĩnh vực hoạt động kinh doanh liên quan khác. Hiện tại, Gulf có 26 dự án điện đang vận hành, đồng thời không ngừng mở rộng ra thị trường quốc tế.

Tính đến thời điểm 31.5.2019, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện của Gulf, bao gồm cả những dự án đã được đưa vào vận hành thương mại và các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành tới 2024 là 11.910,4 MW, trong đó công suất sở hữu là 6.877,8 MW.

Trong kế hoạch đã được ký kết, Gulf và Tập đoàn TTC đang lên kế hoạch phát triển một dự án điện gió khác (310 MW) và một dự án điện mặt trời khác (30 MW) cùng với Tập đoàn TTC tại tỉnh Bến Tre (Việt Nam). 

Như vậy, bằng việc khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC số 01 và TTC số 02, Tập đoàn TTC và Gulf kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mang lại nguồn điện phục vụ cho đời sống - sản xuất, qua đó tăng cường an ninh cung ứng điện, tiếp tục đóng góp vào chiến dịch năng lượng Xanh - Sạch đang được cộng đồng các quốc gia trên thế giới hưởng ứng mạnh mẽ.

Theo dự báo từ nay cho đến năm 2030, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, ngành năng lượng cần đạt được tốc độ tăng trưởng 10%, tương đương 500 tỷ kWh điện thương phẩm. Đây là bài toán khó đối với ngành năng lượng trong nước khi bối cảnh các nguồn tài nguyên than đá, dầu khí, thủy điện đã được khai thác triệt để suốt thời gian dài. 

Hòa cùng xu hướng bảo vệ môi trường, phát triển nguồn năng lượng xanh - sạch trên toàn cầu, năng lượng tái tạo được xem là lời giải tất yếu cho tương lai.

Điện mặt trời: Khẩu vị mới của nhà đầu tư Thái Lan
Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là xu hướng đầu tư mới của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư