Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
TTCK Việt Nam sắp đón quỹ ngoại Đài Loan quy mô hàng nghìn tỷ đồng
Phan Hằng - 19/01/2022 07:22
 
Theo Bloomberg, quỹ sẽ phải giải ngân 50% tài sản vào các cổ phiếu niêm yết hoặc các chứng chỉ lưu ký nước ngoài. Trong đó, tỷ trọng cổ phiếu thị trường Việt Nam không thấp hơn 70%.

Ngày 10/1, quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund đến từ Đài Loan bắt đầu huy động vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, quy mô phát hành theo mệnh giá khoảng 6 tỷ Đài tệ (tương đương khoảng 5.000 tỷ VND). Quỹ được cố vấn bởi VinaCapital. Dự kiến ngày bắt đầu giải ngân là 26/1.

Danh mục đầu tư của quỹ phân bổ vào nhiều ngành như vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm HPG (9%), VHM (6%), MBB (5%), VCB (5%), KBC (4%), KDH (4%), NLG (4%), SSO (4%), CTG (3%), DGC (3%)...

Jih Sun Vietnam Opportunity Fund đánh giá Việt Nam như viên kim cương của châu Á, phát triển nhanh chóng và đáng kinh ngạc, đang sở hữu 4 yếu tố vượt trội là tăng trưởng kinh tế, dân số, vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán.

Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam trong 3 năm qua trung bình 5,7% - cao nhất trong các nước Châu Á. Ước tính đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam sẽ cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở châu Á được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn là Moody's, S&P và Fitch nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm lên tích cực, phản ánh nỗ lực của quốc gia trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và khả năng phục hồi kinh tế.

Dự báo trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng EPS ước tính đạt 23,4%, P/E chỉ khoảng 16,8 lần, là mức định giá hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực.

Dòng vốn Đài Loan trong vài năm gần đây đang tích cực chảy vào thị trường Việt Nam thông qua các quỹ chủ động như CTBC Vietnam Equity Fund (giữa năm 2020) có quy mô vốn cam kết ban đầu của quỹ là 160 triệu USD (khoảng 3.700 tỷ đồng). Tại thời điểm cuối tháng 12/2021, tài sản quỹ đạt 18,7 tỷ TWD (hơn 15.400 tỷ đồng). Hay như Fubon FTSE Vietnam tham chiếu theo chỉ số FTSE Vietnam 30. Hiện giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đạt 12,4 tỷ Đài tệ, tương đương 10.200 tỷ đồng, gấp đôi sau gần một năm.

Bên cạnh đó, dòng vốn Đài Loan còn rót vào thị trường Việt Nam thông qua các khoản vay hợp vốn cho các CTCK. Chẳng hạn như. cuối năm 2021, CTCK VNDIRECT huy động thành công khoản vay hợp vốn tín chấp với tổng giá trị lên tới 100 triệu USD với nhóm định chế tài chính nước ngoài. Thương vụ thu hút sự quan tâm tham gia của 11 định chế tài chính nước ngoài đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và châu Âu. Theo đó, khoản vay vốn tín chấp trị giá 98 triệu USD kèm quyền chọn gia tăng (greenshoe) lên tới 100 triệu USD.

Hay CTCK HSC cũng ký Hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD - tương đương 2,374 tỷ đồng với nhóm 12 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng Cathay United Bank (CUB).

Vào giữa tháng 7/2021, CTCP Chứng khoán SSI cũng chính thức phát đi thông báo ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức lên tới 100 triệu USD – tương đương 2.300 tỷ đồng - vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan. Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon).

Start-up sách nói Việt nhận vốn đầu tư 1,1 triệu USD từ quỹ ngoại
Ứng dụng sách nói Fonos vừa nhận được 1,1 triệu USD từ vòng gọi vốn hạt giống (seed funding).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư