Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Tứ mã ngân hàng thương mại cổ phần đua tranh vị thế dẫn đầu
Thùy Liên - 02/11/2023 10:09
 
Lâu nay, dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân thuộc về 4 ngân hàng MB, Techcombank, VPBank và ACB. Trong 9 tháng đầu năm nay, dù có thay đổi, song cuộc rượt đuổi vị thế dẫn đầu tiếp tục diễn ra gay cấn.
Trong top 4 ngân hàng TMCP tư nhân, VPBank có lợi nhuận thấp nhất, song có tiềm lực vốn mạnh nhất. Ảnh: Đức Thanh

Rượt đuổi vị thế quán quân lợi nhuận

So với các năm trước, năm nay, khối ngân hàng TMCP tư nhân có vẻ đuối sức hơn nhóm ngân hàng TMCP có vốn nhà nước. Dẫn đầu về quy mô, thị phần vẫn là “cỗ xe tứ mã”, gồm MB, Techcombank, VPBank và ACB. Dù vậy, thứ hạng của các ông lớn này có thay đổi so với cuối năm ngoái, khi kinh tế có nhiều xáo động.

Nếu như cuối năm 2022, Techcombank là ngân hàng TMCP tư nhân giữ vị thế quán quân lợi nhuận, MB đứng thứ hai, VPBank đứng thứ ba và ACB đứng thứ tư, thì 9 tháng đầu năm nay, nhiều khả năng, MB mới là quán quân lợi nhuận nhóm ngân hàng tư nhân, với trên dưới 20.000 tỷ đồng. Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, Techcombank tạm dẫn đầu lợi nhuận với 17.115 tỷ đồng, ACB đứng thứ hai với 15.024 tỷ đồng. VPBank đánh mất vị trí thứ tư, xếp sau lợi nhuận của VIB, HDBank.

Tuy vậy, vị thế của các ngân hàng này không chỉ nhìn về lợi nhuận. Xét về tổng thu nhập hoạt động, tạm xét trong “cỗ xe tam mã” Techcombank - VPBank- ACB” (do MB chưa công bố báo cáo tài chính), VPBank mới là ngân hàng có tổng thu nhập hoạt động cao nhất 9 tháng đầu năm nay với 36.402 tỷ đồng; Techcombank và ACB lần lượt xếp thứ hai và thứ ba. Doanh thu của VPBank lớn nhất là điều dễ hiểu, bởi VPBank là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất. Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt 27.132 tỷ đồng, cao hơn ACB (18.670 tỷ đồng) và Techcombank (20.000 tỷ đồng).

Về thị phần huy động, ACB lại có số dư tiền gửi khách hàng cao hơn VPBank và Techcombank, tuy mức độ chênh lệch không đáng kể.

Điểm chung của 3 ngân hàng này là tín dụng tăng trưởng tốt. Tính tới cuối tháng 9/2023, tín dụng tại VPBank tăng 19%, Techcombank tăng 13%, ACB tăng 8,7%. Tuy vậy, thu nhập lãi thuần các ngân hàng này không tăng tương ứng, do chi phí lãi cao gấp 4-5 lần tốc độ tăng trưởng thu nhập từ lãi.

Trong 9 tháng đầu năm, ACB là ngân hàng duy nhất trong 3 ông lớn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, cũng là ngân hàng duy nhất không ghi nhận mảng kinh doanh nào lỗ. ACB cũng là ngân hàng lớn hiếm hoi trên thị trường không nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn chung, với chiến lược phát triển thận trọng, ACB dường như vững hơn 2 ngân hàng kia trong khủng hoảng.

Chất lượng tín dụng mới là yếu tố làm nên khác biệt lợi nhuận trong số 3 ngân hàng. Tính tới cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank lên tới trên 5%, trong khi tỷ lệ này tại Techcombank chỉ là 1,4% và ACB là 1,2%.

Nếu như cuối năm 2022, Techcombank là ngân hàng TMCP tư nhân giữ vị thế quán quân lợi nhuận, MB đứng thứ hai, VPBank đứng thứ ba và ACB đứng thứ tư, thì 9 tháng đầu năm nay, nhiều khả năng, MB mới là quán quân lợi nhuận nhóm ngân hàng tư nhân, với trên dưới 20.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy, dù sở hữu doanh thu lớn nhất, song VPBank xếp cuối bảng lợi nhuận bởi trong kỳ, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới 17.826 tỷ đồng, cao gấp 8-12 lần so với hai ngân hàng còn lại. Việc lựa chọn phân khúc kinh doanh rủi ro cao từng đưa VPBank vào nhóm ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống, song cũng khiến ngân hàng này dễ bị tổn thương khi nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Về hiệu suất làm việc của cán bộ - nhân viên, Techcombank đang là nhà băng dẫn đầu, với bình quân mỗi người mang về cho ngân hàng 162 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là ACB đứng thứ hai với 125 triệu đồng/tháng; VPBank  37,3 triệu đồng/tháng.

Về độ chịu chi cho nhân viên, Techcombank đang dẫn đầu. Thu nhập trung bình của cán bộ - nhân viên Techcombank là 45 triệu đồng/người/tháng trong 9 tháng đầu năm, tăng 1 triệu đồng so với cùng kỳ. Thu nhập nhân viên VPBank tăng thêm 2,3 triệu đồng/tháng, lên 26,09 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập trung bình tại ACB thấp hơn, chỉ 13,8 triệu đồng/người/tháng.

Còn nhiều ẩn số bất ngờ

Kết thúc năm nay, bảng xếp hạng lợi nhuận của tứ mã ngân hàng cổ phần khó có sự thay đổi. Tuy vậy, với tiềm lực vốn và lợi thế khác nhau của mỗi ngân hàng, không loại trừ vẫn có những cuộc “sao đổi ngôi” trong những năm tới.

ACB là ngân hàng có phong độ ổn định nhất nhờ chất lượng tài sản tốt, “sạch” trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu duy trì ở tỷ lệ thấp nhất ngành, hầu hết khoản vay bất động sản đều có tài sản đảm bảo, tín dụng bán lẻ tăng trưởng tốt…

Techcombank do có tỷ lệ tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn, nên tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy, dự báo kết quả kinh doanh của ngân hàng này sẽ khởi sắc hơn trong quý cuối năm nhờ nhu cầu cho vay mua nhà cũng như nhu cầu tái cơ cấu của các nhà phát triển bất động sản hồi phục. Dù vậy, lo ngại nợ xấu phát sinh mạnh từ danh mục cho vay bất động sản cũng như hoạt động tái tài trợ các dự án bất động sản là rủi ro lớn nhất của ngân hàng này, dù tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức thấp.

Trong top 4 ngân hàng TMCP tư nhân trên, VPBank có lợi nhuận thấp nhất, song có tiềm lực vốn mạnh nhất, có nhiều ẩn số tăng trưởng nhất.

Sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC, vốn chủ sở hữu của VPBank được nâng lên xếp xỉ 140.000 tỷ đồng, cao gấp 3-4 lần các ngân hàng còn lại trong nhóm “tứ mã”. Thêm vào đó, Tỷ lệ An toàn vốn (CAR) của ngân hàng này cũng lên tới 19%, dẫn đầu các ngân hàng TMCP tại Việt Nam.

Tín dụng và huy động vốn tăng trưởng lớn hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng toàn ngành, 2 công ty con (VPBankS và OPES) tăng trưởng lợi nhuận tốt, FE Credit đã ngừng lỗ, ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý III/2023… là điểm sáng của ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm.

Chi phí vốn cao là một trong những điểm trừ của VPBank trong 3 quý đầu năm nay. Dù vậy, chi phí vốn của ngân hàng này có thể giảm từ quý IV/2023 khi chính sách giảm lãi suất nửa đầu năm 2023 bắt đầu “ngấm”. Vốn rẻ hơn cộng với nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản giúp biên lợi nhuận (NIM) của Ngân hàng kỳ vọng được cải thiện trong quý IV/2023 và năm 2024.

Lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm tốc tăng trưởng
Tín dụng chậm, NIM (biên lãi thuần) và thu ngoài lãi giảm. Cùng với đó nợ xấu tăng tạo áp lực lên dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư