Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tư nhân và PPP sẽ mở khóa tái cơ cấu nông nghiệp
Minh Anh - 16/09/2013 06:12
 
Ngành nông nghiệp đang quyết liệt triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013. Doanh nghiệp vẫn chê đầu tư nông nghiệp

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói trên tạo ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, phát triển đối tác công tư (PPP) được xác định là một trong 5 giải pháp chính để thực hiện Đề án.

Với lĩnh vực nông nghiệp, Đề án sẽ hỗ trợ đầu tư bảo quản, chế biến,
giảm tổn thất sau thu hoạch… (Ảnh: Hà Thanh)

Để thu hút nguồn đầu tư này và phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân.

Trong đó, Nhà nước chịu trách nhiệm quy hoạch sử dụng đất, đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại và hợp tác quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cơ bản, quản lý đập và công trình thủy lợi đầu mối và kênh chính, quản lý thị trường đảm bảo cạnh tranh công bằng…

Đồng thời, từng bước chuyển việc cung cấp một số dịch vụ công (cấp nước sạch, thú y, bảo vệ thực vật, tưới tiêu...) sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Theo bà Hồng, nội dung Đề án chỉ rõ những thay đổi về lựa chọn ưu tiên đầu tư công trong nông nghiệp. Đối với lĩnh vực thủy sản, đầu tư công sẽ tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển giống thủy sản, tiếp tục đầu tư các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hỗ trợ đầu tư bảo quản, chế biến giảm tổn thất sau thu hoạch, an toàn thực phẩm…

Với lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển các giống cây, con năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến đổi khí hậu, hỗ trợ đầu tư bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch…

Đầu tư công trong lâm nghiệp sẽ chú trọng ưu tiên đầu tư phát triển các giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng kinh tế, đầu tư phát triển mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng và phát triển dịch vụ môi trường rừng…

Với lĩnh vực thủy lợi, ưu tiên đầu tư theo hướng đa chức năng để phục vụ nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất công nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung vốn đầu tư cho công trình thủy lợi đầu mối, ưu tiên vốn nhiều hơn cho nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư…

Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên đầu tư cho các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nhân lực, hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho hệ thống thông tin thị trường, hỗ trợ tiếp thị, quảng bá…

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các ban, ngành chức năng đang tiến hành rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, bao gồm cả chính sách hỗ trợ và tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp, chính sách đất đai, thương mại, tiền tệ và tài chính, cũng như quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường cùng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đáp ứng mục đích tái cơ cấu ngành nói trên.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Xúc tiến đầu tư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Phân vai trong liên kết 4 nhà
Liên kết giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, với sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách của Nhà nước trong sản xuất, chế biến, tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư