Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Từ tháng 12/2016, Hà Nội sẽ phát thông báo tình trạng môi trường không khí hàng ngày
Thu Trang - 24/11/2016 19:23
 
Dự kiến, đầu tháng 12/2016, TP. Hà Nội lắp đặt xong 10 trạm quan trắc tự động về môi trường, như vậy hàng ngày người dân sẽ được thông báo cụ thể về chỉ số quan trắc môi trường xung quanh mình đang sống.
1
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tại Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” tổ chức sáng nay, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay việc cùng chung tay xây dựng định hướng phát triển cho nền kinh tế tăng trưởng xanh trong đó có môi trường xanh là nội dung rất cần thiết và bức thiết.

Về thực trạng môi trường của TP. Hà Nội, liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường chất thải rắn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố hiện có trên 7,5 triệu người, hàng ngày thải ra khoảng 8-10 nghìn tấn rác thải, trong đó chỉ có khoảng 5% là được chôn lấp; tỷ lệ rác chưa được thu gom vẫn rất lớn, khu vực nội thành không thu gom hết 100% còn khu vực ngoại thành chỉ thu gom được khoảng 80%; chưa tính đến rác thải công nghiệp, ô nhiễm các dòng sông…

Ngoài ra, ô nhiễm nước ngầm đang là vấn đề đáng báo động, hiện tỷ lệ người dân được dùng nước sạch sinh hoạt trong đô thị trên 90%, còn vùng nông thôn mới đưa ra tiêu chí nước hợp vệ sinh.  Thành phố Hà Nội đã mời nhiều nhà khoa học phân tích và thấy rằng các mẫu phân tích ở tầng nước ngầm rất đáng báo động. Kết quả xét nghiệm cho thấy có những nơi ô nhiễm lên đến gấp 30-40 lần, đặc biệt là nước ao hồ. Vì vậy, Thành phố đã định hướng lại và đưa ra tiêu chí thống nhất về nước sạch chung là nước sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, đi kèm với định hướng này là quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn triển khai.

Mục tiêu của Thành phố là đến năm 2020 sẽ không sử dụng nước ngầm để làm nước sinh hoạt, tuy nhiên theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mục tiêu này với điều kiện hiện nay thực hiện rất khó, rất nhiều khu vực chưa đủ điều kiện kinh tế, nguồn lực để sử dụng nguồn nước mặt từ các dòng sông.

Bên cạnh đó là ô nhiễm từ các làng nghề, Hà Nội hiện có 266/1.350 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ tháng 12/2015 Thành phố đã quyết tâm kêu gọi xã hội hoá, đầu tư thí điểm tại 3 làng nghề với công nghệ tiên tiến nhất bằng năng lượng sạch, tiến tới tất cả các nhà máy xử lý nước thải làng nghề đều được kêu gọi từ nguồn xã hội hoá.

Liên quan đến ô nhiễm từ nguồn nước sinh hoạt thải ra, hiện nay nước sinh hoạt được xử lý mới đạt 17%-18%, Thành phố phấn đấu đến năm 2020 có 85% tỷ lệ nước thải được xử lý. Vừa qua Hà Nội đã khởi công xây dựng một số hệ thống xử lý nước thải, khi khánh thành vào năm 2019 toàn bộ nước thải khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình… sẽ được xử lý.

Cùng với đó, toàn thành phố hiện có trên 1.700 hồ nhưng ô nhiễm trầm trọng, nước rỉ rác tại khu vực bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn cũng ô nhiễm. Bên cạnh đó là ô nhiễm không khí từ xả thải của ô tô, xe máy quá đát, từ công trường xây dựng, đốt rơm rạ theo mùa. 

Liên quan đến làm sạch không khí, Thành phố đưa ra giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài là chương trình phát triển trồng một triệu cây xanh, phấn đấu đạt 10m2/cây xanh thì nhiệt độ Hà Nội sẽ giảm khoảng 1,2 độC. Cho đến giờ này Thành phố đã trồng gần 150 nghìn cây xanh.Giải pháp tiếp theo là sau khi có các chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí, Thành phố tiến tới khuyến cáo, thanh loại dần ô tô xe máy quá đát, quá hạn.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện đang tập trung cơ giới hoá toàn bộ thu gom xử lý rác thải, đưa cơ giới hoá thu gom rác bao gồm hút bụi sẽ giảm ô nhiễm không khí. Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải nhà hàng, rác thải bệnh viện sẽ đốt 100%. Thành phố đang cố gắng đến đầu tháng 1/2017 khởi công nhà máy đốt rác điện đầu tiên công suất 2.000 tấn/ngày đêm và trong, và phấn đấu đến đầu 2020 có 3 nhà máy đốt rác.

Ngoài ra, Thành phố đang xây dựng lại quy hoạch toàn bộ nước sạch, theo tiêu chí nước sạch người dân uống được tại vòi, hiện việc này đang thí điểm tại Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn với hình thức kêu gọi tư nhân đầu tư nhà máy nước Hoà Bình có thể cung cấp 200 nghìn m3/ngày đêm. Phấn đấu đến năm 2018 đầu năm 2019 toàn bộ hệ thống nước sạch theo một tiêu chí nước sạch đô thị tiêu chuẩn chung cho toàn Thành phố.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung "đặt hàng" chuyên gia Đức giúp khắc phục ô nhiễm môi trường
Sáng 26/6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực quan trắc môi trường TP Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư