Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Gói thầu xây dựng Trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Bình Thuỷ (Cần Thơ)
Tư vấn "dụng chiêu" chặn nhà thầu?
Ngọc Tuấn - 25/07/2017 16:24
 
Nguyên nhân dẫn tới sự phân biệt đối xử với hàng Việt Nam tại gói thầu mua sắm thang máy do Cục Thuế TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư được xác định là do “nhầm lẫn” (?). Tuy nhiên có dấu hiệu cho thấy, đơn vị tư vấn mời thầu đã dùng “võ” để hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
.

Sính ngoại… do “thiếu sót”

Báo Đầu tư số 3222, ra ngày 12/7/2017 đăng tải bài viết “Nhà thầu lại phát giác vụ thang máy nội bị chối bỏ” phản ánh hiện tượng phớt lờ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong đấu thầu. Trong đó, gói thầu cung cấp và lắp đặt thang máy thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Bình Thuỷ, do Cục thuế TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình.

Cụ thể, hồ sơ mời thầu gói do Cục trưởng Cục thuế TP. Cần Thơ Võ Kim Hoàng ký ban hành đưa ra yêu cầu về mặt kỹ thuật, “là hàng hóa có xuất xứ nhập khẩu đồng bộ mới 100%”. Gói thầu này có mục tiêu mua sắm và lắp đặt hoàn chỉnh một hệ thống 2 thang máy tải khách, mỗi thang có tải trọng 750 kg, tốc độ 60m/s, 6 điểm dừng, sản xuất từ năm 2017 trở về sau. Nguồn vốn sử dụng là ngân sách nhà nước.

Lý giải về nghi vấn trên đây, trong văn bản trả lời Báo Đầu tư, Cục Thuế TP. Cần Thơ cho rằng: “Nội dung trong hồ sơ mời thầu không nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hoá, nên không trái quy định tại Điều 12, Khoản 7, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ”. Ngoài ra, để đảm bảo cạnh tranh không phân phân biệt đối xử và ưu đãi cho hàng hoá sản xuất trong nước, hồ sơ mời thầu cũng quy định cụ thể tại mục 32, trang 20 về nguyên tắc ưu đãi. Theo đó, nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hoá có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.

Cần hiểu rằng, Điều 12, khoản 7, Nghị định 63 về lập hồ sơ mời thầu đã quy định rõ rằng, “hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa”. Hơn thế, tại mục C, Khoản 5, Điều 3, Thông tư 05/2015/TT - BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đã quy định rõ: “Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử…”.

Qua đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật sẽ thấy cách lý giải của Cục Thuế TP. Cần Thơ bất nhất trong cách diễn giải khái niệm “xuất xứ”. Cụ thể, trong khi luật không cho phép nêu “xuất xứ cụ thể”, thì hồ sơ mời thầu dự án ghi “nhập khẩu đồng bộ” đồng nghĩa với việc đã chỉ ra cụ thể nhà thầu phải cung cấp thang máy có xuất xứ nhập khẩu. Nếu suy diễn ở chiều ngược lại, yêu cầu này có thể hiểu, chủ đầu tư đã mặc nhiên loại bỏ hoàn toàn hàng sản xuất trong nước.

Mặc dù lý giải như trên, song trong văn bản trả lời Báo Đầu tư, Cục Thuế TP. Cần Thơ cũng thừa nhận, việc quy định như vậy là thiếu sót, vì vậy, sau khi được phản ánh, chủ đầu tư đã chỉnh sửa “nhập khẩu đồng bộ mới 100%” thành “hàng hoá sản xuất trong nước, hoặc nhập khẩu đáp ứng thiết bị đồng bộ mới 100%” và nội dung sửa đổi đã được tư vấn đấu thầu thông báo tới các nhà thầu.

Tư vấn có “chơi chiêu”…!?   

Đảm nhiệm vai trò tư vấn đấu thầu tại gói thầu trên là Viện Quy hoạch Xây dựng (Sở Xây dựng TP. Cần Thơ). Đơn vị này có nhiệm vụ tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.

Như chúng tôi đã thông tin, trong các văn bản trả lời Báo Đầu tư, cả chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đấu thầu đều khẳng định, thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu đã được gửi tới các nhà thầu thông qua Văn bản số 90/CV-VQHXD.2017 ngày 23/6/2017 của Viện Quy hoạch Xây dựng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Vũ, đại diện nhà thầu thang máy TNE (TP.HCM) có tham gia mua hồ sơ mời thầu gói thầu này cho phóng viên Báo Đầu tư biết rằng, nhà thầu chưa hề nhận được thông báo nói trên, do đó, TNE không tham gia nộp hồ sơ dự thầu, vì thang máy do TNE đề xuất được sản xuất trong nước.

Một dấu hỏi lớn được đặt ra là, trong tình huống này, đơn vị tư vấn đấu thầu có dùng chiêu trò ra văn bản thông báo (Văn bản số 90) điều chỉnh, nhưng không gửi cho các nhà thầu, nhằm lách luật và chặn ứng thầu hàng Việt tham gia dự thầu, tạo lợi thế cho nhà thầu đề xuất hàng ngoại nhập? Thậm chí, có nhà thầu còn cho rằng, Văn bản số 90 chỉ mang tính chất “chữa cháy” để “xử lý tình huống”, khi câu chuyện phớt lờ chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong đấu thầu được các nhà thầu và Báo Đầu tư phát giác.

Điểm m, khoản 1, Điều 12, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định: “Thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã nhận hồ sơ mời thầu tốí thiểu là 10 ngày trước thời điểm đóng thầu”. Căn cứ lịch trình thực hiện gói thầu trên, thì việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu đã không đáp ứng quy định trên, vì thiếu 5 ngày (ngày làm việc).

Cuối tuần qua, phóng viên Báo Đầu tư cũng truy xuất lại thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn, mà không thể tìm thấy bất kỳ thông báo nào về sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu, cũng như gia hạn đóng thầu của bên mời thầu, dù luật quy định phải thực hiện việc công bố thông tin này.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, bất chấp những lấn cấn trong tiến trình mời thầu như đã phản ánh, gói thầu đã được đóng, mở thầu theo thời gian thông báo trước đó và đang trong quá trình chấm thầu.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu: "Có nhà thầu bị cướp hồ sơ, gói thầu vẫn mở bình thường"
Vụ việc cụ thể xảy ra tại Gói thầu Bình Định 05 – XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu (tỉnh Bình Định) với trị giá là 32,762 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư