-
Quốc hội đồng ý lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa -
Đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm hiểu hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM -
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Hà Nội chuyển đổi số hiệu quả -
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -
Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ để xây mới -
Ưu đãi thuế, lo doanh nghiệp nhỏ “không chịu lớn”
Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6
Từ 29-31/3, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) đã diễn ra tại Hà Nội. Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo cấp cao 6 nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung GMS. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng phát toàn văn Tuyên bố chung.
Phát huy 25 năm hợp tác - Xây dựng GMS bền vững, hội nhập và thịnh vượng
Chúng tôi, Người đứng đầu các Chính phủ và Trưởng đoàn của Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6;
Ghi nhận những thành tựu của Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS, kỷ niệm 25 năm thành lập GMS và khởi đầu một kỷ nguyên phát triển mới tại tiểu vùng;
Đánh giá cao thành công đã đạt được với vai trò dẫn dắt và cam kết mạnh mẽ của các nước GMS, thể hiện các nguyên tắc đồng thuận, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng tham vấn và phối hợp, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích, hợp tác cùng có lợi;
Nhận thức được những cơ hội mới, thách thức mà quá trình toàn cầu hoá đem lại và tầm quan trọng của các sáng kiến phát triển liên quan, như Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, Cộng đồng ASEAN, Sáng kiến Vành đai và Con Đường. Các sáng kiến này sẽ bổ trợ và kết hợp với Chương trình GMS, tạo nên các cơ sở mới cho hợp tác toàn cầu, khu vực và tiểu vùng;
Ghi nhận sự cần thiết phải tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển tại mỗi quốc gia và giữa các nước GMS, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự gia tăng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau;
Nhận thức được rằng để hỗ trợ các nước thành viên một cách hiệu quả, nắm bắt các cơ hội phát triển mới và đáp ứng những thách thức đang nổi lên, Khung chiến lược định hướng Chương trình GMS cần được điều chỉnh định kỳ;
Đánh giá cao các bộ trưởng, các quan chức cao cấp và các bên liên quan khác đã tích cực rà soát lại tình hình thực hiện Khung chiến lược, xây dựng một kế hoạch hành động và các ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới;
Chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy Chương trình hợp tác kinh tế GMS và tiếp tục ủng hộ các nguyên tắc cơ bản của khuôn khổ hợp tác GMS; khuyến khích tất cả các bên liên quan khởi động việc nghiên cứu hướng đi cho tương lai nhằm phát huy những thành công của 25 năm qua, hiện thực hóa một tiểu vùng bền vững, hội nhập và thịnh vượng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung (Ảnh: TTXVN) |
I. 25 năm thay đổi và các thành tựu của Chương trình GMS
1. Trong bối cảnh chúng ta kỷ niệm dấu mốc quan trọng 25 năm của GMS, đây là thời điểm phù hợp để cùng suy nghĩ về những chuyển đổi của tiểu vùng đã đem lại những kết quả thuận lợi chưa từng thấy.
2. Với một vài nền kinh tế kém phát triển vào giai đoạn đầu, GMS hiện bao gồm những nền kinh tế với mức thu nhập trung bình năng động nhất châu Á và thế giới. Trong hơn một phần tư thế kỷ, tăng trưởng kinh tế hàng năm của tiểu vùng đã đạt mức trung bình là 6,3% và mức tăng trưởng bình quân đầu người là 5%. Thương mại nội khối đã tăng gấp 90 lần. Người dân các nước được hưởng cuộc sống với chất lượng ngày càng cao và tiểu vùng đang hướng đến sự phát triển chất lượng cao.
3. Các chính sách, dự án đầu tư và chương trình trao đổi kiến thức của Chương trình GMS đã đóng góp một cách thiết thực cho sự thay đổi trên. Vai trò Chương trình GMS thể hiện rõ qua con số 21 tỷ USD đã được huy động để tài trợ cho các sáng kiến trong khuôn khổ GMS.
4. Kết nối, cạnh tranh và cộng đồng là những giá trị nền tảng của Chương trình. Chúng tôi đánh giá cao báo cáo về các kết quả gần đây đã khẳng định sự phù hợp của việc tập trung vào ba nhân tố C (Kết nối – connectivity, cạnh tranh - competitiveness, cộng đồng - community) nhằm có được một Chương trình thiết thực, mang tính hành động và chú trọng kết quả.
5. Kết nối hạ tầng cứng với trọng tâm cải tạo và xây mới cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, bao gồm các sân bay mới, 80 cây cầu, 10.000 km đường bộ, 500 km đường sắt, 3.000 km đường dây truyền tải điện và đường dây phân phối, với công suất lắp đặt là 1570MW. Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh GMS 5 vào năm 2014, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực kết nối đã tiến triển nhanh chóng và trên phạm vi rộng, trong đó có việc hoàn thành Chiến lược ngành Giao thông vận tải GMS 2030.
6. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận hành lang kinh tế được thông qua năm 1998 đã chuyển đổi mạng lưới giao thông thành hành lang kinh tế xuyên quốc gia, gắn kết sản xuất, thương mại và cơ sở hạ tầng. Các tuyến đường loại 2 và đường tỉnh lộ đã giúp mở rộng mạng lưới ba hành lang kinh tế chính, qua đó góp phần vào sự phát triển bao trùm. Cách tiếp cận này giúp phát huy nguồn lực hạn chế thông qua việc tập trung vào các lợi thế địa phương có thể giúp tối đa hóa việc làm và thu nhập dọc theo các hành lang, cho phép các vùng sâu vùng xa tiếp cận các cơ hội phát triển.
7. Chúng tôi hoan nghênh quyết định mở rộng mạng lưới hành lang vào năm 2016 nhằm đáp ứng sự phát triển năng động của tiểu vùng. Trong ba năm qua, Diễn đàn Hành lang kinh tế tiếp tục đóng vai trò ủng hộ, tạo điều kiện và điều phối, được bổ trợ bởi Diễn đàn Tỉnh trưởng và Tuần lễ Hành lang Kinh tế. Chúng tôi hỗ trợ các diễn đàn này để tăng cường đối thoại chính sách giữa các cơ quan, chính quyền địa phương, giúp xác định hoạt động hợp tác theo dự án trong các lĩnh vực ưu tiên dọc hành lang.
8. Kết nối hạ tầng mềm là nhân tố bổ trợ cần thiết cho cơ sở hạ tầng cứng. Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh lần trước năm 2014, chúng tôi hài lòng với việc tất cả các thành viên đã phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi vận tải qua lại biên giới GMS (CBTA), các Phụ lục và các Nghị định thư của Hiệp định này, nhất trí về Biên bản ghi nhớ thực hiện "Thu hoạch sớm" CBTA, cho phép xe thương mại và xe container được di chuyển trong tiểu vùng. Chúng tôi hoan nghênh việc áp dụng đầy đủ mô hình một lần dừng vào năm 2015 ở cặp cửa khẩu Lao Bảo-Densavan giữa Việt Nam và Lào. Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp từ Hiệp hội đường sắt Mekong mở rộng và Hiệp hội Vận tải hàng hóa GMS đã thúc đẩy sự qua lại xuyên biên giới và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp dịch vụ logistics.
9. Chúng tôi cũng hài lòng với những tiến triển trong lĩnh vực mua bán điện nhằm thúc đẩy việc mở rộng các kết nối song phương hiện nay trở thành mạng lưới kết nối nhiều nước thông qua việc điều chỉnh các nguyên tắc và hệ thống thương mại, góp phần hình thành thị trường điện chung ở khu vực.
10. Chúng tôi ghi nhận năng lực cạnh tranh của GMS liên tục được cải thiện thông qua các biện pháp tạo thuận lợi cho sự di chuyển thông suốt qua biên giới của người dân, hàng hoá và dịch vụ và thông qua sự hội nhập của thị trường, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị. Điều này được thể hiện qua lĩnh vực thương mại của tiểu vùng với phần còn lại của thế giới và dòng vốn FDI đổ vào tiểu vùng ngày càng gia tăng.
11. Ở cấp độ chuyên ngành, Chương trình hỗ trợ nông nghiệp trọng tâm đã tăng cường hợp tác khu vực, nâng cao năng lực quản lý chất lượng nông sản, thúc đẩy việc áp dụng nông nghiệp có tính đến yếu tố giới và thân thiện môi trường. Chương trình cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực nông nghiệp, gia tăng khả năng tiếp cận các chuỗi giá trị nông sản của các nhà sản xuất ở tiểu vùng và thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp thân thiện với môi trường. Chúng tôi ghi nhận điều này sẽ mang lại lợi ích cho các hộ nông dân nhỏ, phụ nữ ở nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhờ đó giải quyết vấn đề nghèo đói, tiếp cận tới các nhóm yếu thế và gia tăng sự bao phủ của phát triển bao trùm. Trong ngành du lịch, các chiến dịch thành công quảng bá GMS là một điểm đến duy nhất đã giúp tăng hơn gấp đôi lượng khách du lịch từ 26 triệu khách trong năm 2008 lên 60 triệu khách vào năm 2016.
12. Sáng tạo, công nghệ mới và chuyển đổi kỹ thuật số là những động lực phát triển mới hết sức quan trọng. Chúng tôi hoan nghênh việc thành lập Chương trình hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới GMS vào năm 2016 và báo cáo tình hình hợp tác trong lĩnh vực này, trong đó kể tới sự liên kết với các doanh nghiệp tư nhân. Điều này tạo thuận lợi cho tăng trưởng thương mại điện tử, giúp nâng cao hiệu quả, kết nối và chuyển đổi của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ.
13. Để giải quyết những thách thức về đô thị hóa, Khung Chiến lược Phát triển Đô thị GMS 2015-2022 đã được thực hiện thông qua các dự án quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cho một số thị trấn dọc theo các hành lang kinh tế, cũng như thông qua việc phát triển các đặc khu kinh tế, cả ở khu vực biên giới.
14. Chúng tôi rất vui mừng vì Chương trình đã giúp xây dựng một cộng đồng GMS cùng chung tương lai thông qua các dự án và chương trình nhằm giải quyết các mối quan tâm chung về xã hội và môi trường. Các dự án phát triển nguồn nhân lực đã giúp nâng cao năng lực của quốc gia để ứng phó sự bùng phát dịch bệnh và kiểm soát sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ công nhận lẫn nhau về kỹ năng và trình độ để tăng cường lực lượng lao động GMS; tạo điều kiện cho di cư lao động xuyên biên giới an toàn. Kế hoạch Phnom Penh về Quản lý Phát triển đã nâng cao năng lực của hơn 2.500 quan chức chính phủ GMS và năng lực của các viện nghiên cứu của các nước nhằm hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển của tiểu vùng. Chúng tôi hoan nghênh đóng góp của các thành viên GMS thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực. Hợp tác về môi trường đã đạt được thành công trong khuôn khổ Chương trình Môi trường trọng tâm của GMS và Sáng kiến Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học nhằm ứng phó với những rủi ro chủ yếu từ suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
15. Sự thành công của Chương trình phụ thuộc vào mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và sâu rộng, chủ yếu qua quan hệ chính phủ - chính phủ, đồng thời cũng hưởng lợi từ các mối quan hệ giữa các bên liên quan khác bao gồm khu vực tư nhân, chính quyền địa phương và cộng đồng, giới học giả và truyền thông. Chúng tôi ghi nhận sự hỗ trợ về tài chính và kiến thức từ các đối tác phát triển song phương và đa phương, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hỗ trợ Chương trình GMS với tư cách Ban Thư ký. Khu vực tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong mối quan hệ đối tác được hình thành chính thức từ ban đầu với Diễn đàn Doanh nghiệp GMS (nay là Hội đồng) vào năm 2000, mở rộng với Sáng kiến doanh nghiệp Mekong, Hiệp hội Vận tải hàng hóa, các diễn đàn nông nghiệp và du lịch, sàn thương mại điện tử và Hội nghị ngành Tài chính và Tài chính Thương mại gần đây. Chúng tôi đánh giá cao việc hàng ngàn nông dân và doanh nghiệp đã tham gia và được hỗ trợ từ Chương trình GMS.
II. Hướng tới tương lai
16. Chương trình đã và đang được thực hiện theo hai khung chiến lược, hiện nay là chiến lược giai đoạn 2012-2022. Bản đánh giá giữa kỳ khung chiến lược hiện tại thực hiện trong năm 2017 đã khẳng định sự cần thiết và phù hợp của các nguyên tắc cơ bản, tuy nhiên vẫn cần được điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước thành viên trong bối cảnh môi trường phát triển có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, Kế hoạch hành động Hà Nội (HAP) 2018-2022 đã được xây dựng nhằm đưa ra các điều chỉnh cần thiết và củng cố trọng tâm hợp tác để bảo đảm hiệu quả tối đa của Chương trình hợp tác kinh tế GMS. Để hỗ trợ HAP, Khung đầu tư Khu vực 2022 đã được xây dựng với danh sách 227 dự án có tổng kinh phí là 66 tỷ USD.
17. Chúng tôi hoan nghênh các bộ trưởng, các đối tác phát triển và các bên liên quan khác đã chuẩn bị các văn bản này. Chúng tôi nhất trí thông qua và ủng hộ tối đa các văn kiện HAP và RIF với các định hướng hợp tác của Chương trình GMS trong trung hạn. RIF là một "danh sách dự án mở" có thể được xem xét và cập nhật thường xuyên để đáp ứng sự thay đổi của môi trường và ưu tiên hợp tác.
18. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các quan chức, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác đã chuẩn bị và báo cáo chúng tôi các bản nghiên cứu, chiến lược và kế hoạch hành động chuyên ngành. Chúng tôi đặc biệt ghi nhận các chiến lược hợp tác ngành được hoàn thành gần đây trong lĩnh vực du lịch (2016-2025), các chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường (2018-2022), môi trường (2018-2022) và giao thông (2018-2030). Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, phát triển đô thị, kết nối phần cứng và phần mềm, các hành lang kinh tế và tăng cường hơn nữa các hoạt động nâng nâng cao năng lực liên quan.
19. Trong khi HAP và RIF sẽ hỗ trợ việc triển khai Chương trình trong trung hạn, các diễn biến ở khu vực và quốc tế trong dài hạn sẽ làm thay đổi môi trường phát triển, đem đến những cơ hội và thách thức mới và đòi hỏi các chính sách mới. Sự phát triển của GMS sẽ đối mặt với sự thay đổi ngày càng nhanh và các xu thế mới như gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; cơ cấu dân số già hóa; di cư xuyên biên giới tạo ra các vấn đề về bảo trợ xã hội, đặc biệt đối với lao động không có tay nghề; các công nghệ tạo đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản các hệ thống xã hội và kinh tế; áp lực kinh tế - xã hội tạo ra do quá trình đô thị hoá và sự hình thành các khu kinh tế cửa khẩu; khoảng cách phát triển trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia thành viên.
20. Phương pháp tiếp cận tầm khu vực, trên cơ sở tham vấn, các nỗ lực chung và chia sẻ lợi ích, là thích hợp để giải quyết những vấn đề này. Do đó, chúng tôi yêu cầu các bộ trưởng và các quan chức cấp cao, khuyến khích các bên liên quan khởi động nghiên cứu con đường phát triển của GMS sau năm 2022 của khung chiến lược hiện nay và phương thức để củng cố, tái cấu trúc khung chiến lược nhằm duy trì khả năng linh hoạt, thích ứng và phù hợp.
21. Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững của GMS thông qua việc thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốcvề phát triển bền vững nhằm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo, hài hòa, xanh, bao trùm và mở cho mọi người, đạt được sự cân bằng trong ba khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Paris về thay đổi khí hậu ở cấp khu vực và quốc gia. Đất nước của chúng ta sông liền sông, núi liền núi, do đó chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác trong việc sử dụng bền vững và quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất đai, tài nguyên nước và rừng, thông qua hợp tác xuyên biên giới và nỗ lực tập thể, để đạt được an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng của tiểu vùng.
22. Chúng tôi nhận thấy toàn cầu hóa mang lại những lợi ích đáng kể cho các nước và tiểu vùng. Chúng tôi cam kết khai thác hiệu quả mặt tích cực của toàn cầu hóa, củng cố và khiến toàn cầu hóa mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng và bền vững hơn; bảo đảm rằng tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình này. Chúng tôi quyết tâm dành nhiều quan tâm hơn cho những người dân dễ bị tổn thương và tích cực làm việc cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo để không ai bị bỏ rơi. Chúng tôi cam kết xây dựng nền kinh tế mở cho từng quốc gia và tiểu vùng thông qua tăng cường hội nhập kinh tế, thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và phản đối mọi hình thức bảo hộ. Chúng tôi khuyến khích hợp tác nhiều hơn giữa các nước thành viên trong việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế và cơ sở hạ tầng thương mại xuyên biên giới, nâng cao năng lực quản lý thương mại. Chúng tôi khuyến khích việc thực hiện Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN và sớm hoàn thành Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
23. Chúng tôi nhận thức việc tăng cường kết nối tạo ra các động lực tăng trưởng mới và tạo lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi cam kết triển khai các hành động cụ thể để cải thiện kết nối về cơ sở hạ tầng, chính sách, thương mại, tài chính và giao lưu nhân dân giữa các nước GMS. Đồng thời, chúng tôi nhận ra những thách thức lớn trong việc bảm đảm nguồn tài chính cần thiết, thu hẹp khoảng cách tài chính của đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành một cơ chế cung cấp vốn dài hạn, đa dạng và bền vững, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng tài chính và khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển đóng vai trò tích cực. Chúng tôi được khích lệ bởi sự quan tâm mà các đối tác hiện này, trong đó có ADB, các tổ chức và quỹ tài phát triển tài chính mới, như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN, đã thể hiện đối với việc đầu tư vào các dự án GMS. Chúng tôi ghi nhận ý định mở rộng quan hệ đối tác công tư và các phương thức tài trợ khác trong tiểu vùng.
24. Một GMS bền vững sẽ được hội nhập ở tầm khu vực và kết nối ở tầm toàn cầu. Chúng tôi ghi nhận vai trò phát triển quan trọng của hợp tác và hội nhập khu vực và ủng hộ các nguyên tắc của chủ nghĩa khu vực mở. Do đó, chúng tôi sẽ tìm cách phát huy sức mạnh tổng hợp và sự bổ trợ giữa chương trình GMS và các sáng kiến khu vực và toàn cầu khác, bao gồm Cộng đồng ASEAN, Sáng kiến Vành đai và Con Đường, Cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương, Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và các khuôn khổ hợp tác khu vực khác. Điều này sẽ đem lại động lực cho nỗ lực của chúng tôi vì một khu vực GMS bền vững, hội nhập và thịnh vượng; và Chương trình GMS sẽ hợp tác với các cơ chế này. Chúng tôi ủng hộ các bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN và các kết quả của Diễn đàn Cấp cao hợp tác quốc tế về Vành Đai và Con Dường giúp tăng cường kết nối khu vực.
III. Kết luận
25. Trong 25 năm qua, hợp tác của chúng tôi và những kết quả cụ thể đã nuôi dưỡng ý thức cộng đồng mạnh mẽ với một tương lai chung cho các nước GMS. Cách tiếp cận nhất quán của Khung chiến lược và Chương trình GMS đã tạo ra sự chuyển đổi hết sức đa dạng.
26. Chúng tôi tin rằng cách tiếp cận của chúng tôi hướng tới tương lai là hoàn toàn khả thi. Chúng tôi lạc quan về tương lai của tiểu vùng và khả năng thích ứng, giải quyết những thách thức. Chúng tôi thấy một tương lai tươi sáng hơn với sự phát triển bền vững và chất lượng cao, tăng cường phối hợp chính sách, hội nhập sâu hơn về kinh tế, kết nối khu vực rộng hơn, liên kết thương mại chặt chẽ hơn, hợp tác tài chính, củng cố kết nối nhân dân và liên kết chặt chẽ hơn với thế giới. Chúng tôi sẽ có hành động cụ thể để đạt được tầm nhìn này và thực hiện đầy đủ 3 trụ cột của GMS.
27. Để tiếp tục bảo đảm cho tương lai chung của chúng ta trong GMS, chúng tôi cam kết tăng cường quan hệ đối tác, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng, bao trùm và hợp tác cùng có lợi. Chương trình GMS sẽ tiếp tục là một nền tảng thiết yếu để tăng cường tính kết nối, cạnh tranh và cộng đồng và tiến tới một GMS bền vững, hội nhập và thịnh vượng.
Chúng tôi đồng ý gặp lại tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 7 tổ chức tại Campuchia năm 2021.
Thông qua tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 31/3/2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất 5 trọng tâm hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư
-
Chính phủ đề xuất luật hóa tài sản số, phát triển công nghiệp bán dẫn -
Ông Hà Sỹ Đồng được giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị -
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Hà Nội chuyển đổi số hiệu quả -
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -
Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ để xây mới -
Công bố 6 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực văn hóa -
Ưu đãi thuế, lo doanh nghiệp nhỏ “không chịu lớn”
-
1 Vietjet xin đầu tư xây dựng hangar bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay Đà Nẵng -
2 Tín dụng tăng nhanh hơn huy động, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi -
3 Tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng lo ngại -
4 Hút mỗi điếu xì gà sẽ phải trả thêm 50.000 - 100.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt -
5 Tin vắn Đầu tư Online ngày 23/11
- Sandoz triển khai chương trình cộng đồng phòng chống đề kháng kháng sinh tại Việt Nam
- Thu thập sinh trắc học trên Agribank Plus - Cơ hội rinh iPhone 16 và nhiều quà hấp dẫn
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024