Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tỷ giá bớt yếu tố nhạy cảm
Hà Tâm - 24/09/2016 09:58
 
Đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá, dù mùa cao điểm tới gần. Một trong những yếu tố đó là quyết sách mới của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, nguồn cung ngoại tệ dồi dào trên thị trường và dự trữ ngoại tệ lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Dư chấn từ thị trường thế giới đã giảm

Hai cuộc họp được thị trường tiền tệ toàn cầu ngóng chờ nhất tuần qua vừa kết thúc ngày 21/9. Đó là phiên họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và  phiên họp của Ủy ban Thị trường mở FOMC của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trước đây, mỗi khi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật sắp có động thái lớn về chính sách, thị trường tỷ giá trong nước thường dậy sóng. Tuy nhiên, từ đầu tuần đến nay, tỷ giá biến động khá nhẹ, mặc dù nền kinh tế đang bước vào quý IV, vốn là cao điểm cầu ngoại tệ.

.

Hiện tại, BoJ đã công bố kết quả phiên họp chính sách ngày 21/9 theo hướng tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Với động thái này của BoJ, khả năng Fed cũng sẽ không tăng lãi suất đồng USD, ít nhất cho đến tháng 12/2016. “Khả năng Mỹ tăng lãi suất USD là rất nhỏ, hoặc nếu tăng cũng chỉ rất nhỏ giọt vì kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Trước đó, lãnh đạo của Fed nhận định, đã đến lúc tăng lãi suất USD. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa vững vàng của kinh tế Mỹ (lạm phát thấp, sản lượng công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng kém) cũng như sự èo uột của nhiều nền kinh tế lớn, đã khiến Fed phải thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định.

Những diễn biến này của thị trường tiền tệ thế giới đang tác động tích cực tới thị trường ngoại hối trong nước. Thực tế, từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá, đồng USD, Euro và nhiều đồng tiền chủ chốt biến động nhiều, song tỷ giá trong nước khá ổn định. Giá USD trên thị trường tự do cũng bám khá sát tỷ giá niêm yết tại  ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài diễn biến thuận lợi của thị trường tiền tệ thế giới, thì sự ổn định của tỷ giá trong nước cho thấy, cơ chế điều hành tỷ giá mới mà NHNN áp dụng từ đầu năm đến nay đã bám sát hơi thở thị trường. Việc NHNN yêu cầu tổng giám đốc các ngân hàng phải ký vào báo cáo trạng thái ngoại tệ khi có bất thường, ban hành thông tư quy định hạn chế việc mua ngoại tệ giao ngay cho các giao dịch chưa đến hạn thanh toán… cũng góp phần làm giảm đáng kể găm giữ ngoại tệ - nguyên nhân chính giúp thị trường ổn định.

Nguồn cung dồi dào, đầu cơ găm giữ giảm

Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, với cơ chế điều hành hiện nay, tỷ giá biến động từng ngày, do đó việc điều chỉnh đột biến khó xảy ra, ngay cả trong trường hợp Fed tăng nhẹ lãi suất USD thời gian tới. Nguyên nhân do dự trữ và nguồn cung ngoại tệ trong nước khá dồi dào.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), từ khi điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, kết hợp với cung – cầu tốt, tỷ giá thời gian qua tương đối ổn định, tạo điều kiện cho NHNN tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

“Hệ thống tổ chức tín dụng đã mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế và bán được khối lượng khá lớn ngoại tệ cho NHNN. NHNN nhận thấy các hoạt động về găm giữ ngoại tệ qua theo dõi đã chuyển biến tích cực, tiền gửi ngoại tệ từ dân cư có xu hướng giảm tương đối nhanh so với cuối năm trước”, ông Long nói.

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), vừa qua NHNN đã mua vào tổng cộng 10 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 40 tỷ USD - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường cũng khá dồi dào, do giải ngân vốn FDI từ đầu năm đến nay tăng tốt (ước tính FDI đã giải ngân trong 8 tháng đạt gần 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015), nền kinh tế xuất siêu hơn 2,5 tỷ USD (tính đến giữa tháng 9/2015), kiều hối tăng tích cực… Những yếu tố này là nền tảng tốt giúp ổn định thị trường ngoại hối.

Tất nhiên, những tác động của nền kinh tế thế giới với tỷ giá vẫn không thể loại trừ. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu đồng Nhân dân tệ hay thị trường Mỹ, EU có biến động, tỷ giá trong nước cũng sẽ có biến động theo. Nói cách khác, vẫn chưa thể chủ quan với tỷ giá.

Tỷ giá tĩnh lặng đến bất ngờ
Thị trường ngoại hối trong nước tĩnh lặng không ngờ, bất chấp đồng nhân dân tệ mất giá kỷ lục và hệ lụy hậu Brexit còn kéo dài.
Bình luận bài viết này
  • Minh 09:00 | 25-09-2016
    Nhân 1 số chuyên gia không đồng ý dùng NS xử lý 1 phần nợ xấu. Xin phản biện. "Trong 1 lớp học, nếu 30% học sinh kém thì đúng lỗi học sinh, còn nếu 70% học sinh kém là lỗi cô giáo!". Các chuyên gia cho hỏi điều đó có đúng không hay cứ khăng khăng là dầu có 100% học sinh kém cũng là lỗi học sinh dốt? Tôi cho rằng cần phải dùng NS cứu các trường hợp bị oan bị kéo theo do cuộc đua lãi suất lo lợi ích nhóm thu hồi tài sản đất đai sai PL, đặc biệt thuộc nhóm dân cư & DNNVV mà chi phí "cứu" họ không nhiều nhưng có ý nghĩa giảm bức xúc XH.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư