Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tỷ lệ đô thị hóa của vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc
Trúc Giang - 10/12/2020 14:11
 
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức sáng nay (ngày 12/12) tại Cần Thơ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện tại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 174 đô thị gồm: 01 đô thị trực thuộc Trung ương, 02 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 09 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Khu vực đô thị có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc.

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đẩy mạnh, đạt các kết quả cụ thể. Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các Tổ chức Quốc tế khác về nâng cấp đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả và đều phát huy những kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Nghị, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, công tác triển khai quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL vẫn còn chậm và gặp nhiều thách thức, thể hiện qua: Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu...

Trong khí đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Công tác dự báo, đánh giá chính xác tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các kịch bản và thiên tai cũng còn nhiều hạn chế.

“Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và giải quyết các thách thức nêu trên, đồng thời, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh sẽ được thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2018, cần thiết phải xây dựng Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở và nội hàm để xây dựng mới Quy hoạch vùng ĐBSCL do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng”, ông Nguyễn Thanh Nghị nói.

Vùng TP.HCM mở rộng, định hình đô thị đa trung tâm
Quỹ đất rộng, hạ tầng giao thông thuận tiện, các dự án tại đô thị vệ tinh Nam Sài Gòn đang trở thành điểm nóng cho giới đầu tư và tạo ra xu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư