Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ứng dụng blockchain: Không chỉ có NFT, tiền kỹ thuật số...
Hữu Tuấn - 27/03/2022 08:56
 
Ứng dụng blockchain (chuỗi khối) tại Việt Nam đang như một dòng chảy ngầm cuồn cuộn, len lỏi vào nhiều lĩnh vực.

Blockchain được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực

Blockchain xuất hiện 10 năm nay và nở rộ trong vài năm gần đây khi được ứng dụng vào tiền mã hóa, tài sản kỹ thuật số không thể thay thế (NFT), GameFi (kết hợp giữa game và tài chính phi tập trung). Các “ông lớn” công nghệ của thế giới như Microsoft, Meta, Google, Tencent, Amazon, IBM… đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, blockchain được biết đến nhờ trở thành “cái nôi” của game blockchain, tài chính phi tập trung, với hàng loạt dự án như Axie Infinity, Kyber Network, Tomochain, Coin98…

Blockchain còn được ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực khác, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như Viettel, từ năm 2018, đã nghiên cứu và ứng dụng thành công blockchain vào y tế. Theo đó, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel ứng dụng thành công blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí; giúp bệnh viện giảm thiểu chi phí.

Trong khi đó, VNPT ứng dụng blockchain trên nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC, giúp xác minh, nhận dạng và trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân. Lưu lượng chạy qua nền tảng VNPT eKYC mỗi ngày từ 500.000 đến 1 triệu giao dịch.

Ở trong lĩnh vực logistics, FPT có giải pháp Akachain áp dụng blockchain, truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, Akachain cho phép quản lý hiệu quả logistics toàn chuỗi, từ xử lý đơn hàng, quản lý chất lượng, đóng gói, kho bãi đến phân phối, nhờ đó, thông tin về hàng hóa được truy xuất và theo dõi tại bất kỳ thời điểm nào.

Trong lĩnh vực ngân hàng, năm 2021, MB ứng dụng thành công blockchain thông qua việc liên tiếp thực hiện trọn vẹn vòng đời của 2 giao dịch thư tín dụng (Letter of Credit - L/C) nhập khẩu trên mạng lưới tài chính thương mại, gồm nhiều ngân hàng, tập đoàn lớn. Hay Vietcombank ứng dụng blockchain trên ngân hàng số VCB Digibank…

Mới đây nhất, Thủ Đô Multimedia tích hợp công nghệ blockchain trong bảo vệ bản quyền và ghi nhận tức thời thù lao của các bên tham gia sáng tác. Với việc ứng dụng này, mỗi lần chia sẻ nội dung số đều được ghi lại bởi hệ thống.

Còn vô số ví dụ về ứng dụng blockchain vào rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam như nông nghiệp, giao thông, sản xuất công nghiệp…

“Ứng dụng blockchain tại Việt Nam đang tham gia vào quản lý tài chính, thị trường địa ốc để tạo ra một thị trường mua bán công khai, minh bạch; hoặc tham gia vào ngành nông nghiệp để truy vết nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...”, ông Johnny Trí Dũng, Giám đốc marketing của DecomWings đánh giá.

Còn ông Võ Xuân Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Hóa nhựa Sài Gòn cho hay, công nghệ blockchain giúp rút ngắn thời gian, tối ưu quy trình nhập khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các bên đều chia sẻ trách nhiệm như nhau và mọi hoạt động đều được minh bạch trên mạng lưới.

Dư địa phát triển blockchain còn rất lớn

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, cộng đồng blockchain Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua, nhưng ứng dụng blockchain còn hạn chế. Hiện tại, blockchain ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số. Đây là lĩnh vực Việt Nam và nhiều quốc gia đang “dò đá qua sông”, nên phải thận trọng.

“Doanh nghiệp đừng quá tập trung vào một lĩnh vực như tài chính, mà xem nhẹ những tiềm năng ứng dụng khác như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, lĩnh vực hậu cần kho bãi…”, ông Cường khuyến nghị.

“Blockchain trong tương lai giống như Internet vào Việt Nam năm 1997, sẽ xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống. Chưa có ngành nào tăng trưởng mạnh như công nghệ thông tin và trong công nghệ thông tin thì không lĩnh vực nào tăng trưởng nhanh bằng blockchain. Đây là công nghệ mới, nên còn rất nhiều “đất” để sáng tạo và khởi nghiệp”, TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thủ Đô Multimedia, blockchain còn có thể tạo ra những mô hình kinh doanh mới khi cho phép người dùng sang nhượng hoặc thu phí các nội dung bản quyền mà họ sở hữu sau khi đã sử dụng.

Tuy nhiên, để khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực blockchain, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp trong nước phải có sự đầu tư nghiêm túc để đạt hiệu quả cao, thay vì chạy đua theo trào lưu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những nền tảng blockchain sẵn có để từ đó xây dựng nên những giải pháp kinh doanh hữu hiệu theo mô hình của mình.

Ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue cho rằng, để ngành blockchain phát triển bền vững, start-up phải có một niềm tin vào công nghệ. Ba yếu tố mà doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực này cần lưu ý khi muốn thử sức là chọn được xu hướng và sản phẩm muốn làm, yếu tố con người và nguồn lực.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, có một thực tế là Việt Nam hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho blockchain. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các start-up blockchain người Việt thường đặt trụ sở tại nước ngoài để dễ dàng hoạt động và gọi vốn. Điều này dẫn tới tình trạng bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn tài chính lớn đang đầu tư vào lĩnh vực blockchain.

“Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông là xây dựng Đề án về blockchain và tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với một số bộ, ngành để có các hành động sớm, nhằm hoàn thiện dần khung pháp lý cho blockchain và các ứng dụng liên quan”, ông Dũng cho biết.

 

Theo báo cáo mới đây của Công ty PwC, công nghệ blockchain có thể mang lại doanh thu lên tới 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong 10 năm tới. Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là những nước hưởng lợi lớn nhất. Trung Quốc sẽ thu về hơn 440 tỷ USD, Hoa Kỳ sẽ có thêm thêm 407 tỷ USD trong 10 năm tới nhờ ứng dụng blockchain.

 

“Ẩn ức” của game blockchain Việt
Mặc dù trở thành một ngành công nghiệp nội dung số tiềm năng trị giá hàng chục tỷ USD, nhưng game blockchain vẫn chưa có hành lang pháp lý…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư