Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 12 năm 2024,
Ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo trong giáo dục
D.Ngân - 23/10/2021 08:21
 
Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục và thu được hiệu quả tích cực.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục và thu được hiệu quả tích cực.

AI và các dự án ứng dụng AI đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư không chỉ từ các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn là sân chơi mới cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thử sức và thực hiện những mô hình kinh doanh mới. 

Với tốc độ phát triển “thần tốc” như hiện nay, lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được dự báo sẽ sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt. 

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang đối diện với những khó khăn nhất định. Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về: quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data). 

Ngoài ra, các ngành đào tạo về lĩnh vực AI ở Việt Nam còn non trẻ, đặc biệt là sự thiếu hụt bộ phận chuyên gia - giảng viên đào tạo về công nghệ này từ đó đặt ra những hạn chế nhất định cho sự phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia dự báo, đến năm 2030, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu sẽ rơi vào khoảng 15.700 tỷ USD.

Trong đó, Trung Quốc chiếm tới 7.000 tỷ USD, tương đương 45% thị trường này. Khu vực Bắc Mỹ chỉ chiếm khoảng 3.700 tỷ USD, bằng một nửa so với Trung Quốc.

Tiếp đó là đến nhóm các nước Bắc Âu, các nước phát triển ở khu vực Châu Á, khu vực Nam Âu và khu vực Nam Mỹ. 

Tại Việt Nam, theo ý kiến các chuyên gia ở Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và con người: Những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ”, do Viện Quốc tế Pháp ngữ trí tuệ tổ chức, các chuyên gia cho hay, trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là một công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc cũng như các quốc gia mới như Việt Nam nhằm giành lấy những cơ hội mới. AI sẽ là nhân tố quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, quyết định sự thành công của các quốc gia trong việc chiếm lĩnh vị thế hàng đầu thế giới. 

Ông Ngô Tự Lập nhận định rằng, AI đang thâm nhập vào tất cả mọi mặt của đời sống xã hội và mang lại những kết quả tích cực từ giáo dục, y tế, quản trị cho đến quân sự. Song cuộc cách mạng AI cũng có nhiều mặt tiêu cực.

Cụ thể, AI sẽ góp phần khoét sâu thêm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, khoảng cách giàu nghèo và gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội. 

Trí tuệ nhân tạo cũng khiến chúng ta phải lo lắng về vấn đề quyền riêng tư và an toàn thông tin. 

Cụ thể, đầu năm 2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu AI uy tín trong khu vực. 

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, các ngành đào tạo về AI ở Việt Nam còn non trẻ, đặc biệt là sự thiếu hụt chuyên gia - giảng viên đào tạo về công nghệ này từ đó hình thành những hạn chế nhất định cho sự phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.  

Theo đó, khi trí tuệ nhân tạo dần thâm nhập vào cuộc sống, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, mô hình giảng dạy cũng thay đổi và được đổi mới. Lúc này, chính phụ huynh mới là người quyết định sẽ chi trả bao nhiêu chi phí và học sinh mới là người sẽ định hướng con đường học vấn tương lai của mình. 

Tùy vào năng lực và điều kiện của bản thân để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giáo dục, cá nhân hoá từng người học chứ không còn là một mô hình chung mà các giáo viên đang cố gắng hướng đến cho một tập thể.

Nắm bắt được những điểm tiện lợi từ các sản phẩm nghiên cứu của ngành khoa học Deep Learning, hệ thống giáo dục cũng đưa trí tuệ nhân tạo vào trong giảng dạy dựa trên nền tảng các trợ lý ảo. 

Siri, Cortana, hay Alexa của Google là một trong các trợ lý tuy ảo nhưng mà không hề phi thực tế. 

Đây là sản phẩm của mô hình Deep Learning vận hành bằng cách thu thập các nghiên cứu phân tích tâm lý và hành vi của con người, thông qua đó, tương tác với người sử dụng bằng 3 hình thức: văn bản (đặc biệt là chat nhanh), giọng nói và hình ảnh. 

Tuy nhiên, không dừng lại ở các trợ lý ảo, công tác đổi mới giáo dục hiện nay tập trung vào việc chuẩn hóa nhằm giảm bớt sự khác biệt giữa các học sinh về thành tích. 

Chính vì vậy, hệ thống dạy kèm của AI ra đời, được thiết kế nhằm tối ưu hóa các bài giảng cho từng cấp bậc và khả năng tiếp thu của mỗi học sinh. 

Mặc dù không ngừng cải tiến, nhưng các AI này vẫn còn tồn tại khá nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là cảm xúc. Sự kiên nhẫn và những phản ứng cảm xúc trước các tình huống của một hình mẫu giáo viên sẽ khó được tái tạo bởi một hệ thống AI ở thời điểm hiện tại.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào điều trị bệnh nhân Covid-19
Với việc bệnh nhân tăng nhanh ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam những ngày qua, việc áp dụng các giải pháp công nghệ là rất cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư