Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ủng hộ chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha
D.Ngân - 04/05/2024 09:19
 
Quan điểm của Bộ Y tế về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đây là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam(qua nhiều cách khác nhau) trong gần 10 năm trở lại đây, nhưng hệ luy của nó gây ra đang đe dọa những thành quả của công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới. Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005.

Quan điểm của Bộ Y tế về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đây là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe.

Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.

WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (COP 8), WHO đã khuyến cáo việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ.

Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.

Tháng 10/2023, Bộ Y tế nhận được tài liệu của WHO khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm Nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.

Tháng 3/2024, WHO tiếp tục gửi bản Khuyến nghị Quốc hội lần 2 về việc ban hành “Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử hoặc “vape”, các sản phẩm nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam”.

Ngày 22/12/2023, Bộ Y tế nhận được Thư từ Tổ chức Southeast Asia Tobacco Control Alliance (SEATCA - Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á) đề gửi ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề ủng hộ chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha.

Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng; Tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma tuý do không có sự ngăn chặn kịp thời.

Thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn tại Việt Nam. Theo WHO, trên thế giới, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường đã khiến cho 8 triệu người tử vong mỗi năm (7 triệu do hút thuốc trực tiếp và 1.2 triệu do hút thuốc thụ động). Tổn thất kinh tế trên toàn cầu 1 nghìn tỷ USD.

Tại Việt Nam, WHO ước tính sử dụng thuốc lá gây ra ít nhất 40 ngàn ca tử vong mỗi năm. Chi tiêu cho hút thuốc lá 49.000 tỷ VND/năm (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).

Chi phí điều trị mới chỉ 5/25 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng). Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không làm giảm đi các vấn đề này mà thậm chí sẽ làm tăng các chi phí hơn nữa.

Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam, các nguyên tắc của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên đều thể hiện quan điểm nhất quán chính sách của Nhà nước ta là từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.

Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trở lại, gây khó khăn cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và nỗ lực của công tác cai nghiện thuốc lá, trái với nguyên tắc giảm nguồn cung và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá với thành tựu là giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38,9% năm 2023 (PGATS 2023).

Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022).

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng).

Đặc biệt là trong giới trẻ, cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%.

So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. 

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Quan điểm của Bộ Y tế về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì đây là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm.

Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ.

Do vậy, trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư