Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Ung thư đường tiêu hóa: "Sát thủ” giấu mặt hàng đầu của sức khỏe
D.Ngân - 02/02/2024 12:37
 
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tiếp nhận nữ bệnh nhân, 60 tuổi, ở Nam Định đến khám do rối loạn tiêu hóa.

Sau thăm khám với kết quả chẩn đoán xác định, bệnh nhân vô cùng bất ngờ khi biết mình mắc ung thư đại tràng giai đoạn PT1 (một dạng tổn thương polyp phát triển thành ung thư) nên phải điều trị bằng phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, nạo vét hạch cũng như tuân thủ phác đồ điều trị chuyên khoa ung bướu giai đoạn tiếp theo.

Ảnh minh họa.

Tiếp nhận thăm khám ban đầu, ThS.BSNT Phạm Thị Quế, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ, cách vào viện 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng hạ vị âm ỉ, đi ngoài phân nát, ngoài ra qua hỏi bệnh và thăm khám ban đầu không xuất hiện thêm triệu chứng bất thường nào.

Tuy nhiên, để tìm nguyên nhân gây những dấu hiệu khó chịu đó, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm máu cơ bản, thực hiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng.

Kết quả thăm khám đáng lưu ý với hình ảnh nội soi đại trực tràng: Đại tràng sigma có polyp loại cuống ngắn kích thước xấp xỉ 2cm, bề mặt có vùng biến đổi cấu trúc (NICE 2), bác sĩ đã tiến hành thực hiện thủ thuật tiêm nâng chân, sau đó cắt polyp qua nội soi và kẹp 05 clip qua nội soi.

Nội soi đại tràng lên có túi thừa kích thước xấp xỉ 0.5cm, đáy sạch, bờ mềm mại và polyp loại không cuống kích thước xấp xỉ 0.4cm (NICE 2), lập tức bác sĩ tiến hành cắt polyp qua nội soi.

Đồng thời, để chẩn đoán xác định tính chất của khối polyp nên ngay sau khi lấy ra, mẫu này được chuyển đến Trung tâm Giải phẫu bệnh MEDLATEC làm giải phẫu bệnh.

Sau khi có kết quả xét nghiệm mô bệnh học, bệnh nhân và gia đình buồn bã chấp nhận sự thật mắc ung thư chóng vánh chỉ sau 10 ngày xuất hiện dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa.

Ở nước ta, bệnh lý tiêu hóa ở Việt Nam là một trong những bệnh lý thường gặp như táo bón, tiêu chảy, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng, nguy hiểm hơn là bệnh lý ung thư như đại tràng, trực tràng, dạ dày...

Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globacan 2020), tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày; 14.000 ca ung thư đại tràng; 3.200 ca ung thư thực quản.

Điều đáng lo lắng là đa số người dân đi khám khi có dấu hiệu hay triệu chứng bất thường, nên thường phát hiện ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị thấp, tốn kém chi phí và thời gian chữa trị.

Theo Ths-BSNT. Phạm Thị Quế, “bệnh vào từ miệng” là chỉ những nguyên nhân chính gây bệnh lý đường tiêu hóa. Thói quen ăn uống thiếu khoa học hàng ngày như ăn nhiều đồ muối (dưa muối, cà muối), ăn quá cay, quá nóng, thực phẩm chưa được nấu chín, thường xuyên uống rượu, bia... hoặc thực phẩm bẩn mà chúng ta hàng ngày nạp vào cơ thể đã “vô tình” trở thành hiểm họa khôn lường của hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, việc ăn uống không kiểm soát vào các dịp Lễ/Tết, tất niên, liên hoan cũng là dịp nạp vào cơ thể các chất có hại cho dạ dày như ăn uống đồ chua, cay, uống bia, rượu...

Để an tâm hệ tiêu hóa khỏe mạnh, các chuyên gia Tiêu hóa nhấn mạnh, người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, tránh các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cà phê...), tránh đồ chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều đạm và thực phẩm chế biến sẵn;

Đồng thời tăng cường trái cây, rau xanh, uống đủ nước; tập thể dục đều đặn, vừa sức, kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần, hoặc cần đi khám ngay nếu thấy dấu hiệu bất thường.

Ưu điểm vượt trội của phẫu thuật robot đối với bệnh nhân ung thư tiêu hóa
Phương pháp phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm vượt trội rõ ràng đó là đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư