Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
USD tăng mạnh nhất trong tháng "dìm" giá vàng xuống mức thấp nhất trong tuần
Phạm Anh - 13/05/2023 16:28
 
Giá vàng trong nước và thế giới đang có những diễn biến lệch pha nhau. Trong khi giá vàng thế giới đang quay đều giảm dần đều thì vàng trong nước "túc tắc" đi lên.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,55 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. So với tuần trước, giá vàng đã có sự chênh lệch chiều mua vào tăng 20 đồng/lượng, chiều bán ra tăng 20 đồng/lượng.

Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước.

Trong khi đó, tại TP.HCM giá vàng DOJI đang niêm yết ở mức 66,6 - 67,10 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên tuần trước.

Có thể thấy, giá vàng trong nước tuần này mới bắt đầu nhúc nhích đi lên trong khi xu hướng chung trên thị trường quốc tế là đang trên đà giảm.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tiếp tục nối dài đà rơi và đã chạm mức thấp nhất trong tuần ở quanh mốc 2.010 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Nguyên nhân chính khiến giá vàng bị cầm chân là do đồng USD mạnh lên và đang hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2. Điều này đã làm cho vàng trở nên kém hấp hẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,24% xuống 2.010,63 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,24% xuống 2.015,6 USD/ounce.

Trong tuần này, trên thị trường Mỹ, nhiều thông tin quan trọng đã được công bố. 

Theo đó, PPI tháng 4 tại Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn con số dự báo 0,3%. Cùng với đó, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 22.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 6/5, lên 264.000 đơn. Đây là con số cao nhất tính từ ngày 30/10/2021.

Trước đó, CPI của Mỹ tăng 4,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức cao nhất gần đây là 9,1% vào tháng 6/2022. Lạm phát cơ bản loại trừ giá lương thực và năng lượng và được xem là yếu tố dự báo tốt hơn về lạm phát trong tương lai tăng 5,5% trong tháng 4, giảm từ mức cao nhất gần đây là 6,6% vào tháng 9/2022.

Có thể thấy, với số liệu CPI và PPI mới được công bố đều chỉ ra tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đang ở dưới mức kỳ vọng của các chuyên gia.

Tất cả những điều này đã làm tăng thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thể tạm dừng tăng lãi suất tại các cuộc họp vào tháng 6 và có thể là tháng 7 trước khi quyết định vào tháng 9 này liệu cơ quan này đã làm đủ để kìm hãm nền kinh tế hay chưa.

Tuy nhiên, nhiều quan chức của Fed vẫn tỏ thái độ cứng rắn với chính sách tiền tệ hiện tại. Trong một hội nghị ở thành phố Frankfurt (Đức), Thống đốc Michelle Bowman cho biết có thể Fed cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát không giảm rõ rệt trong những tuần tới. Bà Bowman cho rằng nếu lạm phát vẫn cao và thị trường lao động vẫn eo hẹp thì Fed có thể sẽ cần thắt chặt thêm chính sách tiền tệ. Theo bà Bowman, các báo cáo việc làm và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không cho thấy rõ lạm phát đang trên đà đi xuống.

Đầu tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams cũng để ngỏ khả năng tăng lãi suất để chống lạm phát và cho biết quyết định sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế.

Ngoài ra, thị trường đang theo dõi những diễn biến tiếp theo xung quanh các cuộc đàm phán trần nợ. Cuộc họp về trần nợ giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội, từng dự kiến diễn ra vào hôm qua, đã bị hoãn sang tuần sau.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, các khoản thu thuế và các biện pháp khẩn cấp sau ngày 15/6 “có thể sẽ cho phép chính phủ tiếp tục tài trợ cho các hoạt động cho đến ít nhất là cuối tháng 7 ”. Mặt khác, báo cáo cập nhật mới nhất đã nhắc lại sự không chắc chắn trước đó của CBO về trần nợ trong vài tuần đầu tiên của tháng 6. CBO cho biết, mặc dù doanh thu từ thuế vào giữa tháng 6 có thể giảm bớt áp lực lên Bộ Tài chính cho đến tháng 7, nhưng vẫn có nguy cơ vỡ nợ trong vài tuần đầu tiên của tháng 6.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết rằng, việc không nâng trần nợ trước khi Mỹ cạn kiệt tiền mặt và các biện pháp khẩn cấp sẽ gây ra một “thảm họa kinh tế”.

Giới chuyên gia nhận định, với việc vàng được xem là hầm trú ẩn an toàn thường có xu hướng tăng trong thời kỳ bất ổn về kinh tế hoặc tài chính. Không chỉ thế, các vấn đề về trần nợ mà thị trường sẽ trải qua trong vài tuần tới cũng sẽ là động lực để kìm chế đà tăng của đồng USD và giúp cho vàng được hưởng lợi.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,61% lên 102,68 điểm; tăng 1,47 điểm so với tuần trước và là mức cao nhất trong tháng.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 13/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.640 VND/USD, tăng 18 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.458 - 24.822 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá tiếp tục đi ngang, hiện đang được yết ở mức 23.300 VND/USD (mua vào) và 23.640 VND/USD (bán ra).

Tuần giao dịch "điên rồ" của giá vàng
Trái với diễn biến của thế giới, giá vàng trong nước có nhịp điều chỉnh sau khi lên sát mức 67,35 triệu đồng chiều bán ra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư