Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhắc tới thuế tối thiểu toàn cầu khi xem cơ chế cho Buôn Ma Thuột
Khánh Linh - 20/10/2022 16:34
 
Đa số ý kiến tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo.
,
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về Dự thảo Nghị quyết của về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày trong phiên làm việc chiều 20/10.

Ngay trong phần đầu báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhắc đến ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết đặc thù đối với Thành phố Buôn Ma Thuột về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc thù cho một thành phố trực thuộc tỉnh là điểm mới.

Nếu chỉ áp dụng chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, người lao động tại Thành phố Buôn Ma Thuột thì chưa bình đẳng giữa các đối tượng trong cùng tỉnh Đắk Lắk, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích đến với địa bàn khó khăn khi mà nơi có điều kiện thuận lợi lại được ưu đãi hơn.

Có ý kiến đề nghị nên xem xét ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với toàn tỉnh Đắk Lắk thay vì chỉ áp dụng đối với Thành phố Buôn Ma Thuột nhằm bảo đảm tính hợp lý, lan tỏa trong áp dụng chính sách.

Trường hợp đặc biệt này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Đa số ý kiến tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo.

Liên quan đến các chính sách cụ thể, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế, ông Cường báo cáo là đa số ý kiến trong Ủy ban Tài cính - Ngân sách tán thành về mặt chủ trương cần có ưu đãi thuế. 

Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết quy định các doanh nghiệp đầu tư một số lĩnh vực trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đang quy định ưu đãi cho các Dự án đầu tư mới tại địa bàn đặc biệt khó khăn được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Một mặt, Kết luận 67 đã nêu rõ: “Xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên”. Nhưng mặt khác, theo Tờ trình, hiện nay, các dự án đầu tư mới trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột (địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn) được áp dụng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 17%, chỉ giảm 3% so với mức thông thường (20%), chưa khuyến khích đầu tư vào địa bàn.

Mức ưu đãi đang được đề xuất tương tự như doanh nghiệp đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và theo Tờ trình, mức ưu đãi thuế không ảnh hưởng nhiều đến cân đối thu chi ngân sách của Thành phố nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị: Cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế; đặc biệt cần xác định cụ thể về nội hàm: “…thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo; sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics…”. Vì, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nếu quy định chung chung như Dự thảo Nghị quyết thì phạm vi áp dụng ưu đãi thuế là rất rộng; một mặt sẽ là chưa công bằng, mặt khác có thể dẫn đến lợi dụng pháp luật, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Do đó, đề nghị bổ sung quy định để tạo căn cứ chặt chẽ cho thực hiện, tránh lợi dụng hoặc áp dụng tùy tiện.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, tác động của ưu đãi này là chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên; tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của doanh nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh tới một số ý kiến khác cho rằng, quy định trên chưa hợp lý. Có 3 nguyên nhân.

Một là, nếu quy định như Dự thảo, về căn bản các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo đề nghị áp dụng với phần lớn các dự án đầu tư trên toàn địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột dẫn đến phạm vi miễn, giảm là khá rộng; thời gian áp dụng lại khá dài, sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng với các địa phương trong cả nước; tác động đến số thu ngân sách; tạo dư địa cho chuyển giá, trốn thuế nếu không kiểm soát chặt chẽ.

Hai là, tại nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu phải đảm bảo tính trung lập của thuế.

Ba là, hiện nay đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó có Việt Nam đã đồng ý về áp dụng mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao. Theo đó mức thuế tối thiểu là 15%.

Như vậy, nếu Việt Nam quy định mức thuế thấp hơn 15% thì doanh nghiệp của các nước có trụ sở chính sẽ được quyền thu thêm số chênh lệch này và việc quy định mức thuế thấp hơn 15% sẽ không còn là động lực khuyến khích doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam sẽ mất đi khoản thuế chênh lệch đó.

 Vì vậy, đề nghị quy định mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế.

Một số ý kiến cho rằng, để một mặt bảo đảm thu hút đầu tư, song cũng bảo đảm tính an toàn, hợp lý của việc thí điểm, đề nghị áp dụng mức ưu đãi thuế thấp hơn, thời hạn rút ngắn hơn so với Dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó lưu ý: (i) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù..; (ii) Ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; (iii) Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục.
Ưu đãi đặc biệt tạo chuỗi giá trị cho cà phê Buôn Ma Thuột
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư