Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
Vắc-xin: “Lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe người dân - Bài 4: Làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin
Dương Ngân - 26/09/2024 09:37
 
Khi không chủ động được nguồn cung vắc-xin, mà phụ thuộc vào nhập khẩu, thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, áp lực.

Hàng tỷ liều vắc-xin đã góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19, giúp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bước ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, cả triệu người, nhất là trẻ em vẫn phải đối diện với hàng loạt căn bệnh quái ác, nguy cơ tử vong cao bởi thiếu vắc-xin bảo vệ.

Theo giới chuyên gia, chỉ khi chú trọng đầu tư nhân lực, vật lực, kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc-xin, đồng thời bản thân người dân nhận thức đúng về hiệu quả của vắc-xin, thì mới tạo ra được “lá chắn thép”, giúp mỗi cá nhân tránh khỏi gánh nặng bệnh tật, góp phần dựng xây một dân tộc khỏe mạnh về thể chất, phát triển về trí tuệ, đảm bảo tương lai hạnh phúc.

Bài 4: Làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin

Cuộc đua nghiên cứu, sản xuất, phân phối vắc-xin đang trở nên khốc liệt trên thế giới bởi diễn biến khó lường của các loại dịch bệnh mới. Trên thực tế, khi không chủ động được nguồn cung vắc-xin, mà phụ thuộc vào nhập khẩu, thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, áp lực.

Tự chủ sản xuất trên “sân nhà”

Hiện nay, Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất được nhiều loại vắc-xin phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng và một số vắc-xin khác góp phần thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng.

Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 60 năm, vào năm 1962, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, Việt Nam nghiên cứu sản xuất thành công một loại vắc-xin quan trọng là

vắc-xin phòng bại liệt. Trước đó, khi chưa có vắc-xin, căn bệnh quái ác này đã khiến 17.000 người mắc bệnh và 500 người tử vong mỗi năm. Hàng ngàn trẻ em bị di chứng bại liệt suốt đời, với tỷ lệ mắc lên đến trên 126/100.000 dân. Tuy nhiên, từ năm 1990, tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được uống đủ 3 liều vắc-xin phòng bại liệt được duy trì trên 90% và đây là tiền đề để Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.

Tiếp sau vắc-xin phòng bại liệt, Việt Nam phát triển vắc-xin tả uống, từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao. Năm 2000-2001, Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện Vắc-xin Hàn Quốc và sau đó, một công ty của Ấn Độ có bản quyền sản xuất vắc-xin tả uống xuất khẩu khắp thế giới.

Cuối năm 2003, đại dịch cúm gia cầm xảy ra ở các nước trong khu vực. Trong đó, Việt Nam là một điểm nóng, với hàng triệu gia cầm chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhiều trường hợp cúm gia cầm A/H5N1 lây sang người với triệu chứng lâm sàng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Sau 2 năm dịch bệnh xuất hiện, biện pháp phòng bệnh bằng vắc-xin mới được chấp nhận và nguồn thuốc chủ yếu nhập từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên,

vắc-xin nhập từ Trung Quốc có hạn chế với một số biến chủng của vi-rút cúm A/H5N1 tại Việt Nam và số liều đóng gói rất lớn (500 liều/lọ), nên không thích hợp với điều kiện chăn nuôi gia cầm ở nước ta.

Trước thực trạng đó, từ kết quả của Đề tài độc lập cấp nhà nước Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm giai đoạn 2006-2008, các nhà khoa học Việt Nam tiến hành nghiên cứu, triển khai sản xuất vắc-xin để dập tắt dịch bệnh này. Đây là vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu và được Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương sản xuất với tên thương phẩm NAVET-VIFLUVAC, được đánh giá có chất lượng tốt.

Qua những nỗ lực phi thường đó, năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc-xin của Việt Nam khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA). Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 45 quốc gia có ngành công nghiệp vắc-xin và là một trong 39 quốc gia đạt NRA.

Chưa đầy một năm sau, năm 2016, Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc-xin khi tự sản xuất được vắc-xin phối hợp phòng sởi - rubella (MR) chất lượng cao, ứng dụng công nghệ Nhật Bản.

Tại thời điểm này, Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắc-xin trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vắc-xin MR (sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc). Việc đưa vắc-xin MR 2 trong 1 phòng sởi - rubella của Việt Nam sản xuất vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng giúp giảm chi phí.

Tiếp đó, năm 2018 đánh dấu thành tựu lớn tiếp theo của ngành y tế Việt Nam, khi sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa 3 trong 1, gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí.

Hiện Việt Nam là một trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng cơ sở sản xuất vắc-xin cúm (chủng virus H1N1, H3N2 và B), phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới. Viện

Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang đang nghiên cứu vắc-xin cúm và vắc-xin 5 trong 1, được đưa vào Chương trình Sản phẩm quốc gia nghiên cứu. Đặc biệt, theo mục tiêu đặt ra, Việt Nam tiến tới sản xuất vắc-xin đa giá, các loại

vắc-xin nhiều kháng nguyên, để trẻ em không còn phải tiêm nhiều mũi, tránh hiện tượng bỏ mũi tiêm ở trẻ nhỏ.

TS. Nguyễn Khánh Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, ngoài thế mạnh hiện có, để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin trong khu vực, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao cho sản xuất vắc-xin. Xây dựng cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) có quy mô đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục tăng cường hệ thống cơ quan quản lý quốc gia vắc-xin, đạt chứng nhận của WHO. Đồng thời, xây dựng các chính sách liên quan để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, hình thành các nhóm nghiên cứu đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, hoàn thiện và sáng tạo công nghệ phục vụ mục tiêu sản xuất vắc-xin, ưu tiên đầu tư mua quyền sở hữu, quyền sử dụng và bí quyết công nghệ; thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm vắc-xin.

Còn theo quan điểm của GS-TS. Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình Sản phẩm quốc gia vắc-xin sử dụng cho người, dù đạt được nhiều kết quả, song cũng phải nhìn nhận thực tế là, đầu tư của Nhà nước cho công tác nghiên cứu, sản xuất vắc-xin chưa tương xứng.

“Sân chơi” cho doanh nghiệp có tâm và đủ tầm

Đi cùng nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, một khâu quan trọng khác góp phần nâng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, phòng chống các loại bệnh nguy hiểm là nhập khẩu, phân phối vắc-xin.

Thời gian qua, bên cạnh hệ thống tiêm chủng nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân đã vào cuộc, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp có tâm và đủ tầm. Cụ thể, tại TP.HCM, cái tên được nhiều người dân biết đến là Hệ thống Tiêm chủng VNVC. Được khai trương đầu tiên vào năm 2017, đến nay, VNVC có khoảng 150 trung tâm trên khắp cả nước. Các trung tâm tiêm chủng VNVC thường đặt tại các trung tâm thương mại, chung cư, nơi diện tích sàn lớn và tập trung đông đúc cư dân sinh sống.

Tại phía Bắc, một doanh nghiệp lớn trong hoạt động tiêm chủng là Hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec, với hàng trăm phòng tiêm chủng trải dài khắp khu vực phía Bắc và miền Trung. Với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc ngay từ khi thành lập (năm 2001), hệ thống này ngày càng được người dân tín nhiệm.

Để thu hút khách hàng, Safpo/Potec không ngừng mở rộng địa bàn, xây dựng trung tâm mới với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cùng các ưu đãi hấp dẫn. Hệ thống tiêm chủng này luôn khẳng định vị thế của mình khi đối tác chiến lược là nhiều hãng vắc-xin lớn trên thế giới đến từ Cuba, Bỉ, Pháp, Mỹ. Do đó, doanh nghiệp được đàm phán trực tiếp, độc lập nhập khẩu chính hãng vắc-xin số lượng lớn, đặc biệt với các loại vắc-xin thường xuyên khan hiếm.

Còn Hệ thống Tiêm chủng Long Châu thuộc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tuy mới gia nhập thị trường tiêm chủng dịch vụ gần đây, nhưng cũng có gần 40 trung tâm đang hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố. Dựa trên nền tảng của mảng dược phẩm, Hệ thống Tiêm chủng FPT Long Châu có lợi thế lớn khi nhận được sự hợp tác hỗ trợ trực tiếp từ các nhà cung cấp vắc-xin trong và ngoài nước.

Việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường tiêm chủng, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, đã góp phần tăng cường tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong bối cảnh hệ thống tiêm chủng công lập gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

“Khi có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh vắc-xin, cái lợi lớn nhất là người dân được tiếp cận nhiều loại vắc-xin để phòng bệnh, đồng thời giảm áp lực cho ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Tuấn nói.

(Còn tiếp)

Vắc-xin: “Lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe người dân - Bài 2: Chặn đứng đại dịch Covid-19 nhờ lá chắn vắc-xin
Đại dịch Covid-19 để lại những ký ức kinh hoàng, nỗi ám ảnh về số người mắc và tử vong. Tuy nhiên, bài học chống dịch tại Việt Nam cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư