Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Vắc-xin: “Lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe người dân - Bài 3: Phòng bệnh bằng vắc-xin: Xóa nỗi lo nghèo hóa
Dương Ngân - 24/09/2024 08:12
 
Người dân Việt Nam phải tự chi trả 40% chi phí y tế, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Gánh nặng chi phí y tế sẽ giảm bớt nhiều lần, nếu việc phòng bệnh bằng vắc-xin được quan tâm đúng mức.
Hàng tỷ liều vắc-xin đã góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19, giúp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bước ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, cả triệu người, nhất là trẻ em vẫn phải đối diện với hàng loạt căn bệnh quái ác, nguy cơ tử vong cao bởi thiếu vắc-xin bảo vệ.

Theo giới chuyên gia, chỉ khi chú trọng đầu tư nhân lực, vật lực, kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc-xin, đồng thời bản thân người dân nhận thức đúng về hiệu quả của vắc-xin, thì mới tạo ra được “lá chắn thép”, giúp mỗi cá nhân tránh khỏi gánh nặng bệnh tật, góp phần dựng xây một dân tộc khỏe mạnh về thể chất, phát triển về trí tuệ, đảm bảo tương lai hạnh phúc.

 Bài 3: Phòng bệnh bằng vắc-xin: Xóa nỗi lo nghèo hóa

Người dân Việt Nam phải tự chi trả 40% chi phí y tế, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Gánh nặng chi phí y tế sẽ giảm bớt nhiều lần, nếu việc phòng bệnh bằng vắc-xin được quan tâm đúng mức.

Giảm gánh nặng chi phí y tế

Thông tin từ Bệnh viện K, chi phí điều trị bệnh ung thư hiện nay rất cao, trung bình gần 180 triệu đồng/bệnh nhân/năm. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư bình quân trên 176 triệu đồng/năm, trong đó bảo hiểm y tế chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% tổng chi phí điều trị).

Với các trường hợp bệnh nặng và phức tạp, số tiền này có thể tăng lên nhiều lần. Vì thế, mặc dù đã có sự hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, nhiều gia đình bệnh nhân vẫn phải đối mặt với khó khăn tài chính đặc biệt nghiêm trọng. Tính toán cụ thể cho thấy, với người lao động có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, nếu không may mắc ung thư, thì mức thu nhập này cũng chỉ vừa đủ chi phí điều trị, còn tiền ăn uống cùng chi phí sinh hoạt phải trông chờ ở những nguồn hỗ trợ khác.

Chính vì thế, trong điều kiện chi phí y tế gia tăng và thực tế rất nhiều gia đình thiếu hụt tài chính dự phòng, mối lo về bệnh ung thư càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí y tế sẽ giảm bớt nhiều lần, nếu việc phòng bệnh bằng vắc-xin được quan tâm đúng mức.

Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên thế giới có gần 6.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 32 trường hợp tử vong, được ghi nhận tại Cộng hòa dân chủ Congo và 14 quốc gia châu Phi khác.

Bệnh đậu mùa khỉ đã được WHO ban bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu và để ngăn ngừa dịch lây lan mạnh, theo Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, vắc-xin, thuốc điều trị và các công cụ chẩn đoán đóng vai trò quan trọng. WHO kêu gọi các quốc gia có nguồn cung vắc-xin chung tay hỗ trợ cứu người bệnh và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Đơn cử, bệnh ung thư cổ tử cung đã có vắc-xin phòng bệnh. Với chi phí hơn 4 triệu đồng cho trẻ em dưới 14 tuổi và trên 7 triệu đồng cho người từ 14 tuổi trở lên, người tiêm vắc-xin sẽ được bảo vệ khỏi phần lớn các virus gây ra loại ung thư này.

Với bệnh sởi, khi một trẻ mắc bệnh phải nhập viện, thời gian điều trị ít nhất từ 7 đến 10 ngày; trường hợp nặng, biến chứng nguy hiểm, có khi phải điều trị cả tháng, chưa kể tính mạng có thể gặp nguy hiểm. Chi phí điều trị như vậy dao động từ chục triệu đồng đến trăm triệu đồng, gồm tiền thuốc điều trị, giường bệnh, chi phí ăn uống, chăm sóc. Một gia đình công nhân, nông dân, viên chức có mức thu nhập thấp hoặc trung bình, nếu phải hứng chịu vài đợt ốm nặng của các thành viên, số tiền chữa trị lên tới vài trăm triệu đồng, thì nghèo hóa là điều khó tránh.

Bác sỹ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, ngoài tác dụng phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe con người, vắc-xin còn giúp giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017, chi phí khám và điều trị bệnh tốn kém gấp 16 lần chi phí tiêm vắc-xin phòng bệnh. Phòng bệnh bằng vắc-xin sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí điều trị y tế trên toàn cầu mỗi năm. Thống kê của Trung tâm Tiếp cận vắc-xin quốc tế thuộc Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Hoa Kỳ) năm 2021 cho thấy, cứ 1 USD đầu tư cho mỗi liều vắc-xin, sẽ tiết kiệm được 20 USD trong tổng chi phí sử dụng cho y tế.

Riêng với bệnh sởi - quai bị - rubella, theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ 1 USD chi cho vắc-xin phòng bệnh, sẽ tiết kiệm được 21 USD chăm sóc y tế. Một nghiên cứu khác trên 11 quốc gia châu Âu cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, chi phí điều trị bệnh sởi khoảng 209 - 480 euro/ca, trong khi chi phí chủng ngừa và kiểm soát sởi thấp hơn nhiều lần, chỉ khoảng 0,17 - 0,97 euro/ca.

Việc tiêm vắc-xin phòng cúm cho thấy hiệu quả cao ở người lớn. Ước tính, với 1,8 tỷ liều vắc-xin phòng cúm đã sử dụng, thế giới đã ngăn ngừa được 37 triệu trường hợp nhiễm cúm, 476.000 trường hợp nhập viện và 67.000 trường hợp tử vong.

Ở người lớn khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi, vắc-xin phòng cúm giúp giảm đến 74% triệu chứng cảm lạnh, giảm biến chứng cúm (viêm phế quản, viêm phổi) đến 40%. Ở người lớn tuổi (trên 60 tuổi), nhóm sử dụng vắc-xin phòng cúm có tỷ lệ giảm bệnh tương đối giống cúm và bệnh cúm phải nhập viện tương ứng là 56% và 69%.

Với phụ nữ có thai, vắc-xin phòng cúm giúp giảm 63% trường hợp nhiễm cúm ở trẻ sơ sinh, giảm 36% trường hợp bệnh hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh và người mẹ. Ở người có bệnh lý nền mạn tính, vắc-xin phòng cúm giúp giảm tới 76,3% bệnh lý hô hấp cấp liên quan đến cúm ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); giảm 70% biến cố tim mạch trên bệnh nhân có bệnh mạch vành cấp; giảm 50% bệnh nhân đái tháo đường nhập viện và tử vong; giảm 55% nguy cơ nhồi máu não khi tiêm ngừa vắc-xin cúm ở năm đầu tiên so với năm trước không tiêm.

Đừng để phải nói “giá như”

Có mặt tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) trong những lần tác nghiệp về dịch bệnh, phóng viên Báo Đầu tư chứng kiến không ít hình ảnh thương tâm. Đó là đôi mắt vô hồn, nước da xanh xao, nhợt nhạt của các em bé sống đời thực vật do biến chứng viêm não; là tiếng thở yếu ớt của trẻ mắc ho gà; là giọt nước mắt nghẹn ngào của những người làm cha, làm mẹ; là tiếng “tút tút” khô khốc, nhưng đầy ám ảnh phát ra từ những chiếc máy thở...

Chăm con gái bị di chứng viêm não, chị N.T.H, mẹ bé Đ.T.A (9 tuổi, ở Bắc Giang) đau lòng, bất lực nhìn con và oán trách bản thân. Chị kể, bé Đ.T.A bị viêm não Nhật Bản đã hơn 1 năm, khi đưa con đến bệnh viện, bé đã mê man, bất tỉnh. Bác sỹ nói, con không phục hồi được hoàn toàn vì biến chứng nặng, buộc phải phụ thuộc máy thở và có thể phải sống đời sống thực vật suốt đời. Trước đó, do tin theo lời của những hội nhóm “anti vắc-xin” (phản đối việc tiêm vắc-xin), chị H. đã nói không với tiêm chủng.

Một trường hợp khác là chị Hà Thanh (35 tuổi, ở Hà Nội) từng đưa con nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) do viêm phổi (biến chứng của phế cầu khuẩn) chia sẻ, chị đã tự trách mình rất nhiều, vì trước đó, do lo lắng thái quá về phản ứng phụ của vắc-xin, chị đã bỏ qua việc tiêm

vắc-xin phế cầu khuẩn cho con. Khi bác sỹ thông báo con bị viêm phổi nặng, có thể suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị kịp thời, vợ chồng chị Thanh như ngồi trên đống lửa. Hai vợ chồng chị phải thay nhau xin nghỉ làm, túc trực ở bệnh viện để chăm sóc con. May mắn là, được sự cứu chữa tận tình của các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai, con của chị đã qua khỏi.

Hầu hết các bậc phụ huynh có con đang điều trị sởi, thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) khi được hỏi về tình trạng bệnh của con đều nói rằng, họ rất hối hận, bởi trước đó không hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, hoặc đắn đo về việc tiêm hay không tiêm vắc-xin cho con, thậm chí là “anti vắc-xin”.

Bác sỹ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Do đó, tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ trước một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề.

Chẳng hạn, vắc-xin 5 trong 1 thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ vắc-xin này, thì sẽ không giảm được tỷ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3 - 4 mũi, thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại. Còn với bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà (DPT), nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ bằng cách tiêm vắc-xin, thì trẻ rất dễ bị lây bệnh.

Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan và chưa ý thức được rằng, trẻ không tiêm vắc-xin sẽ rất nguy hiểm. Điển hình, trẻ không được tiêm vắc-xin phòng sởi, thì sẽ dễ mắc các bệnh kèm theo khác như viêm đường hô hấp, viêm giác mạc, viêm tai, viêm màng não... Đây đều là những căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi và bị suy giảm miễn dịch.

Đề cập ích lợi của vắc-xin, các chuyên gia y tế đều nhấn mạnh, khi được tiêm vắc-xin đầy đủ, trẻ sẽ khỏe mạnh, không bị mắc nhiều bệnh nguy hiểm, phụ huynh không phải đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc để chăm sóc và điều trị y tế cho trẻ. Bên cạnh đó, số ngày công nghỉ phép do bệnh tật hoặc chăm sóc trẻ cũng giảm đáng kể, từ đó gia tăng năng suất, hiệu quả lao động và sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, hệ thống y tế quốc gia sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để hỗ trợ những ca bệnh không lây nhiễm diễn biến nặng. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống xã hội và tăng cường an ninh y tế quốc gia.

(Còn tiếp)

Vắc-xin: “Lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe người dân - Bài 2: Chặn đứng đại dịch Covid-19 nhờ lá chắn vắc-xin
Đại dịch Covid-19 để lại những ký ức kinh hoàng, nỗi ám ảnh về số người mắc và tử vong. Tuy nhiên, bài học chống dịch tại Việt Nam cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư