Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vải thiều Hải Dương được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản, Pháp, Australia
Thanh Sơn - 18/06/2021 14:46
 
Để khách hàng quốc tế biết nhiều hơn tới vải thiều Hải Dương, các đối tác nhập khẩu phân phối vải tại Nhật Bản, Pháp, Australia đã xây dựng kế hoạch quảng bá rộng rãi.

Tính đến ngày 17/6, tỉnh Hải Dương đã cơ bản thu hoạch xong các trà vải, sản lượng đạt khoảng 55.000 tấn. 60% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất sang các nước khó tính. Quá trình tiêu thụ diễn ra thuận lợi, an toàn, bảo đảm các quy định về phòng chống dịch. Giá bán vải tương đối ổn định. Vải thu mua xuất khẩu có giá cao hơn từ 30-40% so với đại trà.

Theo đó, tại Nhật Bản, gần 1 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được các đối tác nhập khẩu và bán buôn mới tại Nhật Bản chuyển đến 150 đầu mối bán lẻ trên khắp nước Nhật. Trước đó, một lô vải thiều Thanh Hà khác cũng được một đối tác tiềm năng lớn tại Nhật lần đầu tiên nhập mẫu để phân phối ở thị trường này.

Năm nay, quả vải Việt Nam tiếp tục được người tiêu dùng Nhật Bản và người Việt Nam sống tại Nhật hào hứng đón nhận vì từ nay được ăn trái vải tươi của Việt Nam, một loại hoa quả quý, có giá trị mà Nhật Bản chỉ có thể trồng được ở tỉnh Miyzaki với số lượng hàng năm không nhiều.

Vải thiều Hải Dương được nhập cảnh vào thị trường Nhật Bản
Vải thiều Hải Dương được nhập cảnh vào thị trường Nhật Bản

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sản vật của quê hương. Ngoài các chuỗi siêu thị của Nhật Bản thì năm nay cũng có rất nhiều doanh nghiệp/cửa hàng do người Việt làm chủ đứng ra nhập khẩu vải thiều, bán trực tiếp/online phục vụ cộng đồng người Việt trên mọi miền của Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các đơn hàng này được kết nối thành công cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ sau Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Nhật Bản tổ chức ngày 02/6/2021 vừa qua, với sự phối hợp hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Xúc tiến thương mại.

Các lô vải được chuyển tới các kênh nhập khẩu mới của Nhật Bản này đều có gắn tem truy xuất nguồn gốc Itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại, giúp cho người tiêu dùng Nhật Bản hiểu rõ hơn về hành trình của quả vải Việt Nam qua từng công đoạn, từ vun trồng, thu hoạch cho đến cung ứng.

Còn tại Australia, ngay sau khi 1 container vải 20 tấn cập cảng vào ngày 16/6, đơn vị phân phối đã tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá vải thiều Hải Dương tại một số siêu thị, chợ đầu mối. Ngày 19/6, vải thiều Hải Dương cũng được giới thiệu và bán tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam diễn ra tại quảng trường Monge ở trung tâm Thủ đô Paris (Pháp). Từ ngày 25-27/6, vải thiều Hải Dương được ưu tiên bày bán ở vị trí trung tâm tại 300 siêu thị AEON Mall trên toàn Nhật Bản. Giá bán vải tại các thị trường này dao động từ 450.000-550.000 đồng/kg.

Ngoài xuất khẩu, khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt buộc người nông dân, doanh nghiệp phải tìm hướng khai thác kênh tiêu thụ vải mới. Bên cạnh cách tiêu thụ truyền thống, lần đầu tiên đặc sản của tỉnh Hải Dương được chào bán trên các sàn thương mại điện tử uy tín ở trong nước và quốc tế. Hướng đi này không chỉ kích cầu tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh phức tạp mà còn góp phần quảng bá hiệu quả thương hiệu vải Hải Dương.

Đặc biệt, vụ vải này còn đánh dấu những thay đổi về tư duy sản xuất, tiêu thụ vải nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung. Người trồng vải đang dần đổi mới để đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp hiện đại. Chuyển đổi số giúp nông dân nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng để có thể điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, đồng thời cũng là công cụ cho khách hàng tìm tới sản phẩm uy tín, chất lượng. Mặc dù lượng vải được quản lý bằng tem truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu và tiêu thụ trực tuyến chưa nhiều nhưng đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho đặc sản của tỉnh.

Vụ vải năm nay, Hải Dương có khoảng 5.000 tấn vải được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, EU, Singapore..., cao nhất từ trước tới nay. Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn đã áp dụng công nghệ bảo quản vải hiện đại nhất hiện nay, giữ được 95% chất lượng quả trong thời gian 50 ngày kể từ thời điểm thu hái. Vì vậy, lượng vải tươi xuất khẩu bằng đường biển tăng cao.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, việc sản xuất vải của Hải Dương đang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Dù là lĩnh vực thường áp dụng công nghệ hiện đại sau song nông nghiệp Hải Dương đã bắt nhịp nhanh với xu thế mới, phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đồng thời, quả vải sẽ mở đường để các nông sản khác của tỉnh xóa bỏ được những rào cản trong sản xuất và tiêu thụ đã tồn tại từ lâu.

Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Pháp, Bỉ với giá dự kiến gần 500.000 đồng/kg
Một tấn vải thiều Thanh Hà được Công ty CP Sản xuất TMDV Rồng Đỏ xuất khẩu chính ngạch sang Cộng hòa Pháp sẽ được bán tại siêu thị Á Châu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư