Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vận tải đường bộ: quản chiếu lệ, sinh hung thần
Anh Minh - 05/09/2013 07:35
 
Công tác quản lý hoạt động vận tải  làm theo kiểu chiếu lệ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn là một trong lý do khiến nhiều “hung thần” tiếp tục tung hoành trên các tuyến đường bộ. Nỗi đau nghẹn đắng trong tim >Lãnh đạo Bộ GTVT "vi hành" ngăn chặn xe vua

Chỉ mặt “hung thần” đường bộ

Tính đến thời điểm này, chiếc xe mang biển kiểm soát 61B - 001.84 thuộc HTX Dịch vụ hỗ trợ vận tải Bình Dương, tỉnh Bình Dương gần như không có đối thủ về tần suất vi phạm tốc độ quy định cho phép.

Việc cấp phép, quản lý vận tải kinh doanh hàng hoá container
còn bị nhiều địa phương xem nhẹ

Theo kết quả trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình được thực hiện bởi Đoàn kiểm tra hoạt động vận tải của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tại Bình Dương do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn, chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 1 đến 15/7/2013), chiếc xe này đã có 727 lần vượt tốc độ quy định.

Tính bình quân, mỗi ngày xe khách biển kiểm soát 61B - 001.84 vượt tốc độ tới 48 lần. Cũng tại Bình Dương, qua kiểm tra tại Công ty TNHH Vận tải hành khách Thanh Loan, Đoàn kiểm tra Bộ GTVT đã phát hiện xe khách mang biển kiểm soát 61H-2595 đã nhiều lần vi phạm tốc độ, mà đỉnh điểm là vào ngày 8/7/2013, đã chạy tới 110 km/h.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lỗi vi phạm tốc độ hành trình “kinh hoàng” nhất trong lĩnh vực vận tải khách bằng đường bộ mà các lực lượng chức năng ghi nhận được. Tại Long An, đoàn kiểm tra của Bộ GTVT đã phát hiện một chiếc xe đã chạy tới 137 km/h; tại Bình Thuận, có xe chạy đến 130 km/h..., trong khi tốc độ cho phép cao nhất đối với loại xe khách trên các tuyến đường tại Việt Nam là 80 km/h.

“Khi chạy với tốc độ trên, nếu có tình huống bất thường trên đường, lái xe gần như không có cơ hội xử lý”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định.

Cần phải nói thêm rằng, đây là kết quả kiểm tra về quản lý hoạt động vận tải tại 18 tỉnh, thành phố vừa được Bộ GTVT báo cáo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ngày 1/9.

“Có tới 80 - 90% xe vận tải khách qua kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố từng ít nhất một lần chạy quá tốc độ 80 km/h và nếu mở rộng phạm vi kiểm tra, chắc chắn phát hiện thêm nhiều ‘hung thần’ khác nữa”, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết.

Bên cạnh đó, trong khi Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép tài xế xe khách lái liên tục trong vòng 4 giờ và không được lái quá 10 giờ/ngày, nhưng rất ít doanh nghiệp (DN) chấp hành nghiêm túc quy định này, thậm chí xe khách mang biển kiểm soát số 61L – 3128 của Công ty TNHH Vận tải hành khách Thanh Loan đã từng chạy “việt dã” không nghỉ trong 9 giờ đồng hồ.

Theo đoàn kiểm tra, tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ diễn ra đặc biệt phổ biến tại các HTX vận tải quy mô nhỏ. Trong khi đó, qua kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An và Cần Thơ, số lượng HTX có quy mô từ 1 đến 3 xe chiếm tới 50% lượng DN vận tải.

“Phần lớn các đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông, trong đó nhiều HTX vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có bộ phận theo dõi, nhưng không hoạt động theo quy định của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Ngoài lỗi vi phạm quy định về an toàn, công tác quản lý điều hành tại nhiều DN vận tải hết sức yếu kém. Kiểm tra 5 đơn vị vận tải tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì có tới 3 đơn vị ký hợp đồng lao động với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe chỉ là hình thức; không quản lý lái xe, nhân viên phục vụ; không trả lương, không đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe, nhân viên. Việc trả lương cho lái xe do các cá nhân là chủ xe thực hiện.

Quản lý bị hổng từ gốc

Theo Bộ GTVT, trong khi các quy định được ban hành nhiều và tương đối đủ, thì “lỗ hổng” lại xuất hiện dày đặc trong công tác cấp phép, hậu kiểm tại các sở GTVT địa phương, nơi vốn được coi là “gốc rễ” để kiểm soát các hoạt động vận tải.

Tại Lào Cai, địa phương bị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ phê bình, các HTX được cấp giấy phép kinh doanh vận tải ngay cả khi còn thiếu một số tài liệu chứng minh có đủ điều kiện kinh doanh. Đây là lý do khiến Lào Cai có số đơn vị kinh doanh vi phạm bị kiến nghị xử lý rất nhiều.

Tại Bình Dương, doanh nghiệp Thiện Thành được Sở GTVT tỉnh cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô tuyến cố định đã ngừng hoạt động kinh doanh liên tục trong 18 tháng, mà cơ quan quản lý địa phương “quên” không thu hồi giấy phép theo quy định.

Còn nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng container, Sở GTVT TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh đối với 98/1710 đơn vị (bằng 5,73%) với có số xe 1.016/8.211 xe (bằng 12,37%); Sở GTVT Bà Rịa- Vũng Tàu cấp 1/16 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đạt 6,25%, số phương tiện đạt 16,72% (54/323)...

“Công tác quản lý nhà nước ở nhiều cơ sở về vận tải còn bị coi nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức, có một số địa phương còn buông lỏng quản lý. Công tác thanh tra tại các DN kinh doanh vận tải và xử lý vi phạm hành chính chưa cương quyết”, Bộ GTVT nhận xét.

Liên quan tới việc xử lý những sơ hở này, Bộ GTVT kiến nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình TP.HCM vì đã buông lỏng công tác quản lý và cấp phép, thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị vận tải container; phê bình các tỉnh An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn do chưa thực hiện tốt công tác quản lý về vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Phó thủ tướng nhắc nhở các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ cần tập trung chấn chỉnh, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ GTVT kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo, cho phép sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; có quy định riêng về loại hình HTX kinh doanh vận tải; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện đối với các DN vận tải bằng ô tô trên địa bàn, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Cục Đường bộ phát công văn khẩn truy nguyên nhân tai nạn
  9 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong vòng 1 tháng qua khiến Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa phải phát công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư