Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vận tải thêm khó vì giá xăng dầu tăng cao
Việt Dũng - 10/03/2022 08:12
 
Thời gian qua, doanh nghiệp vận tải đã bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, nhu cầu đi lại gần như bằng không, chưa kịp phục hồi thì nay lại thêm vấn đề mới là giá xăng dầu tăng cao.
Ảnh minh họa.
Giá xăng dầu cao, doanh nghiệp vận tải càng chạy càng lỗ.

Khó khăn chồng chất

“Kinh doanh vận tải đợt này làm gì có chuyện lãi, cố gắng gồng lỗ để không bị mất đơn hàng là tốt lắm rồi”. Đây là chia sẻ của ông Đinh Văn Quyền, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa tại TP.HCM khi được hỏi về tình hình kinh doanh trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Quyền, giá xăng dầu tăng đột biến đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành vận tải nói riêng. Nếu như trước đây, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% cơ cấu giá thành vận tải, thì hiện nay khi giá xăng đã chạm ngưỡng gần 27.000 đồng/lít, tỷ lệ này đã nâng lên khoảng gần 50%.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (ngày 3/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ xem xét, nghiên cứu lại các khoản thuế, phí với xăng dầu. Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án giảm thuế bảo vệ môi trường và dự kiến mức giảm 500-1.000 đồng/lít xăng, dầu (trừ nhiên liệu bay).

“Trước mắt, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ họ điều chỉnh giá cước vận chuyển theo tỷ lệ tăng của xăng dầu. Dù lỗ nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng và lái xe”, ông Quyền nói.

Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hành khách, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, xăng dầu tăng giá nhiều lần, khiến các doanh nghiệp taxi đứng trước sự lựa chọn hoặc tăng giá cước, hoặc chấp nhận lỗ.

“Tăng giá cước hay không, tăng như thế nào cho phù hợp là vấn đề đang khiến doanh nghiệp đau đầu nhiều ngày nay. Bởi nếu tăng ít sẽ không bõ công làm các thủ tục để tăng giá cước, còn nếu tăng cao quá sẽ không có khách”, ông Hỷ nói.

Cũng theo ông Hỷ, khó khăn nhất hiện nay là các lái xe khoán, khi giá xăng dầu cao chắc chắn họ càng chạy càng lỗ. Nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho họ. Doanh nghiệp đang điêu đứng vì dịch bệnh, hoạt động lỗ triền miên hàng trăm tỷ đồng, nay xăng dầu tăng sẽ tiếp tục lỗ. Nếu không hỗ trợ, lái xe sẽ không chạy khiến doanh nghiệp thêm khó khăn chồng chất.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long (Bình Dương) cũng tỏ ra lo lắng sau khi giá xăng tăng đột ngột, khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển sản phẩm đầu ra đều tăng lên.

Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ điều chỉnh theo giá xăng dầu càng làm cho doanh nghiệp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022.

 Ngóng chính sách

Theo chia sẻ của đại diện hãng xe taxi Vinasun, hiện tại doanh nghiệp vừa hoạt động cầm cự, vừa trông chờ vào giá xăng dầu có xuống hay không. Nếu xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá cước.

Tương tự, ông Phạm Nam, chủ hãng xe Thủy Nam, chuyên chạy chặng Nghệ An - TP.HCM cũng cho biết, doanh nghiệp đang phải “gồng” từng ngày từ khi giá xăng dầu liên tục tăng cao. Do là xe tuyến cố định nên không thể bỏ chuyến nào, dù biết sẽ lỗ khi không đủ khách, đủ hàng.

“Chúng tôi đang phải gồng từng chuyến một, chuyến nào xuất bến cũng phải tính toán chi li để giảm bớt chi phí”, ông Nam nói và cho biết thêm, mỗi chuyến xe ông phải bù hàng triệu đồng tiền xăng dầu, chưa tính phải trả 3-4 triệu đồng tiền qua các trạm thu phí từ Nghệ An vào TP.HCM.

“Khách hàng chủ yếu quen biết đi xe mình lâu năm, giờ mà tăng cước trong giai đoạn dịch khó khăn cũng không được, còn không tăng thì mình bù lỗ quá nhiều. Giờ chỉ mong giá xăng dầu hạ nhiệt để những hãng xe như chúng tôi dễ thở, bớt khó khăn”, ông Nam bày tỏ.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xu hướng giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức hiện nay, mà sẽ tiếp đà tăng, bởi giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo là tất yếu, chúng ta không thể bình ổn giá xăng dầu khi giá thế giới tăng.

Chuyên gia này cho biết thêm, xăng dầu tuy chỉ chiếm 2 - 3% chi phí của nền kinh tế, nhưng lại có tác động gián tiếp rất lớn. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ và nông nghiệp.

Để giá xăng dầu hạ bớt nhiệt, chỉ có thể dùng hai công cụ là thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn nhiều, chỉ còn công cụ thuế. Ông Ngô Trí Long cho rằng, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Ngoài giải pháp trên, theo ông Long, doanh nghiệp vận tải phải sử dụng tiết kiệm xăng dầu, đồng thời nâng cao năng lực quản trị để giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào. Khi giảm được các chi phí này, giá cước vận tải sẽ giảm, giá thành và giá bán cũng giảm theo.

Trong báo cáo về tình hình sản xuất, thương mại 2 tháng đầu năm 2022, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Tài chính tính lại các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân. Các loại chi phí có thể tính toán lại gồm: chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ năm 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium).

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét, tính toán lại các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Việc này nhằm đảm bảo tính đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng xăng dầu và người tiêu dùng, cũng như đảm bảo bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế.

Giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực lớn lên lạm phát
Giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước tăng chóng mặt, đang tạo áp lực rất lớn đến lạm phát của Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư