Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Vàng khó bật lên trước áp lực tăng lãi suất của Fed
T.V - 18/10/2022 11:30
 
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay biến động quanh mức 1.646 USD/ounce nhờ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, song khó bật tăng vì áp lực từ Fed.

USD giảm mạnh trong phiên đầu tuần, giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm. 

Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ giảm xuống 111,95 điểm. 

Vàng đối mặt với nhiều thử thách khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến ​​tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại và nâng lãi suất chuẩn qua đêm ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11 để kiềm chế lạm phát tiếp tục leo thang.

Cụ thể, CPI tháng 9 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021. Dù CPI tháng 9 giảm 0,1% so với tháng 8 do giá năng lượng giảm 2,1%, nhưng lại tăng mạnh hơn so với mức dự kiến là 8,1%.

Đáng chú ý, CPI cơ bản (loại trừ giá năng lượng và lương thực) tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,3% so với tháng 8, do phí dịch vụ chăm sóc y tế tăng 6%, đồ đạc và hoạt động trong gia đình tăng 9,3%, doanh số mua xe mới tăng 9,4%, giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 7,2%...

Như vậy, sẽ đưa lãi suất cơ bản của Fed lên 4,5- 4,75% cuối năm 2022. Sau đó có thể là một số đợt tăng lãi suất nhỏ hơn vào tháng 2 và tháng 3/2023. Theo các chuyên gia, chu kỳ thắt chặt tiền tệ lần này của Fed có thể sẽ đưa lãi suất tăng lên trên 5%.

Đồng thời, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng vượt 4% vào cuối tuần trước, trong khi USD neo quanh đỉnh 20 năm sau khi dữ liệu vĩ mô củng cố triển vọng vào nhiều đợt nâng lãi suất nữa.

Thực tế, giá vàng đã giảm 20% kể từ khi tăng trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce hồi tháng 3. Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời.

Giới phân tích cảnh báo thị trường vàng đang lo ngại về hai cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed, diễn ra vào tháng 11 và tháng 12-2022. Nhiều người dự đoán tại mỗi cuộc họp Fed sẽ quyết định tăng thêm lãi suất 0,75 điểm%. 

Khi đó, USD có thể tăng giá rất mạnh so với nhiều đồng tiền mạnh khác, kéo theo đà tăng lãi suất trái phiếu Mỹ, tạo động lực cho nhiều người dồn vốn vào USD và trái phiếu Mỹ. Giá vàng thế giới sẽ rơi vào thế bất lợi.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không đổi so với cuối ngày hôm qua, đưa giá mua vàng miếng lên 65,9 triệu đồng/lượng và bán ra 66,9 triệu đồng, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Chênh lệch giữa giá mua và bán 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước hiện đang duy trì ở mức cao hơn thế giới còn hơn 18 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí).

Sáng 18/10, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.637 VND/USD. Ngân hàng Vietcombank mua vào 24.130 đồng và bán ra 24.440 đồng, tăng 10 đồng.

Trước đó, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã nâng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD từ ±3% lên ±5%. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng giá bán USD 455 đồng, lên 24.380 VND/USD. Từ đó, tỷ giá tăng lên mức cao. 

Vàng lao dốc khi Mỹ công bố lạm phát tháng 9 ở mức cao
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế mở cửa phiên tối qua mất khoảng 35 USD/ounce và giao dịch quanh mức 1.663 USD/ounce sáng nay khi Mỹ công bố...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư