Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
VASEP: Doanh nghiệp thuỷ sản đang thiếu kho lạnh trầm trọng
Hồng Phúc - 02/04/2020 18:52
 
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn số 35/2020 đến Bộ trưởng Bộ NN&PT NT Nguyễn Xuân Cường về việc đề xuất miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư kho lạnh trữ hàng.

Trước đó, ngày 24/03, VASEP đã báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về tác động của dịch Covid-19 đến sản xuất- xuất khẩu thủy sản Việt Nam và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, nhằm giúp các DN giảm bớt các khó khăn, chăm lo được tốt hơn cho người lao động. 

Đến sáng 02/04, VASEP báo cáo thêm một nội dung quan trọng khác mang tính cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay cho cả bối cảnh vượt qua đại dịch trước mắt và cả tầm chiến lược cho ngành hàng trong tương lai.

Đó là có cơ chế chính sách cụ thể cho đầu tư hệ thống kho lạnh trữ hàng.

Theo VASEP, hiện, việc thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các doanh nghiệp trong ngành không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm cá mà bà con nông-ngư dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại. 

Tuy nhiên, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.

Do đó, VASEP đã đề xuất Bộ trưởng Bộ NN&PT NT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên. 

Cùng với đó, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên VASEP, do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 03/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.

Cho tới thời điểm cuối tháng 03/2020, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, số đơn hàng đã bị sụt giảm từ 35-50% do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết, tháng 01/2020, gần toàn như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra mới bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ tháng 03/2020, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang khu vực Châu Âu, tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn.

Đến giữa tháng 3/2020, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, Châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại.

Hiện, phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều bị ảnh hưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu (ngoại trừ doanh nghiệp cá tra).

Trong khi đó, các đơn hàng phục vụ cho ngành dịch vụ thực phẩm (Food Service) cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ.

Đã có từ 35-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, cho dù tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu. 

Thị trường kho lạnh Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng cạnh tranh khốc liệt
Kho lạnh nằm trong chuỗi cung ứng lạnh là khái niệm để chỉ hệ thống có thể điều chỉnh, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm nhằm kéo dài thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư