Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vay tiền người thân để khỏi gánh lãi mua nhà, tôi lao đao khi trả
Bảo Ngọc (VnExpress) - 28/11/2017 10:10
 
"Cậu tôi cho mượn 50 triệu, nói vài năm sau mới phải trả nhưng chỉ được 6 tháng thì đòi để cho con đi nước ngoài", chị Hoàn kể.
 Ảnh minh họa: Alamy
Ảnh minh họa: Alamy

Từng tự hào vì có hơn 200 triệu mà mua được căn nhà 900 triệu và không phải vay ngân hàng đồng nào, chỉ vài tháng sau, chị Thu Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quay cuồng khi bạn bè, người thân tới tấp đòi nợ dù chưa tới hạn trả. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị về trải nghiệm này:

Vợ chồng tôi đều quê Hải Dương, lên Hà Nội học rồi lập nghiệp. Sau 8 năm làm kế toán, tôi nghỉ việc ở nhà vừa chăm con vừa bán hàng trên mạng. Chồng tôi đi làm công ăn lương, được 13 triệu mỗi tháng. 

Đầu năm 2015, khi đang ở trọ tại khu Mai Dịch, Cầu Giấy, tôi biết thông tin căn nhà 3 tầng sát vách có ý định bán gấp vì chủ vướng nợ nần. Ngôi nhà này có diện tích gần 30 m2, nằm trong diện cơi nới ở khu tập thể nên không có sổ đỏ. Tuy vậy, tôi không lo ngại về vấn đề giấy tờ vì đó là tình trạng chung của rất nhiều nhà khu đó và các gia đình xung quanh đều đã ở nhiều năm không vấn đề gì. Chủ nhà cũng có chút quan hệ họ hàng với một người thân quen của tôi nên tôi biết rõ gia đình họ. Ngôi nhà để ở hay cho thuê đều tốt vì nằm ở vùng an ninh đảm bảo, gần chợ, trường học. Giá thì quá tốt, chỉ hơn 900 triệu đồng.

Sau khi bàn bạc với nhau, vợ chồng tôi thống nhất chớp thời cơ, đặt cọc ngay để mua căn nhà. Vấn đề còn lại là làm sao xoay được gần 700 triệu đồng trong vòng chưa đầy tháng vì chúng tôi chỉ có khoản tiết kiệm hơn 200 triệu. Nhà sắp mua không sổ chẳng thể mang đi thế chấp. Bố mẹ hai bên ở quê cũng không khá giả để có thể giúp được khoản tiền lớn. Chồng tôi nghĩ đến việc vay tín chấp lương hoặc về mượn sổ đỏ đất của bố mẹ để vay ngân hàng nhưng thấy cũng khá phức tạp và phần lãi suất phải chịu khá cao. 

Cuối cùng, tôi và chồng chia nhau vay hai bên họ hàng, bạn bè. Do từ trước tới nay vợ chồng tôi có tiếng hiền lành, tốt tính, lại chưa vay mượn ai bao giờ nên khi đi vay mua nhà thì không khó khăn lắm. Tôi vay được của cậu mợ, cô dì mình người 50 triệu, người 30 triệu hay một cây vàng. Bạn bè thân thiết có người cho mượn 20 triệu, người 10 triệu... Phía chồng tôi cũng vậy. Sau 10 ngày, cả hai vợ chồng mượn được tổng cộng 610 triệu từ khoảng 20 người. Số thiếu, 80 triệu, chúng tôi vay nóng của một người anh đang là chủ doanh nghiệp, hẹn trả trong vòng một tháng. 

Chồng tiền, nhận nhà, dọn về nhà mới ở chỉ trong vòng một tháng, vợ chồng tôi nhiều lúc nhìn nhau không tin nổi tất cả những việc này là sự thật. Vẫn còn cảm giác lâng lâng vì có được căn nhà riêng đầu tiên trong đời, chúng tôi phải "hạ cánh" xuống mặt đất đối mặt với khoản nợ lớn phải trả. Đầu tiên, cả hai ghi chép ra một cuốn sổ từng người mình đã vay, số tiền bao nhiêu, lịch hẹn trả thế nào. Vấn đề tiếp theo là phải căn cơ cắt giảm chi phí sinh hoạt đến mức tối đa. Cũng may, vay mỗi người một khoản nhỏ nên chúng tôi hẹn trả sau ít nhất một năm hoặc "mượn càng lâu càng tốt" và đều được đồng ý.

Khoản nợ đầu tiên chúng tôi phải trả là 80 triệu đồng vay nóng. Vì có bao nhiêu đã dồn hết trả tiền nhà nên khoản này chúng tôi lại phải đi vay tạm của ba người khác đập vào, hẹn tới thưởng Tết - cách thời điểm đó 2 tháng - sẽ trả lại. 

Có khoản nợ lớn chắc chắn mang tới nhiều căng thẳng nhưng chúng tôi thực sự không thể lường được cuộc sống của mình lại chỉ xoay quanh việc quần quật đi làm và chóng mặt lo trả hết các khoản đột ngột tới. Cậu mợ tôi cho vay 50 triệu hẹn vài năm sau trả thì chỉ được vài tháng đã đòi vì cần tiền cho con đi xuất khẩu lao động. Một cây vàng chú tôi nói cho vay 2 năm (từ giữa năm 2015 với giá khoảng 34 triệu đồng) thì giữa năm ngoái đòi lại để cưới vợ cho con và chúng tôi phải mua giá 36 triệu để trả.

Rồi phía nhà chồng cũng vậy. Người thì cần gấp vì sửa nhà, người đòi để mua đất... Có lần, chúng tôi vừa đi mượn trả được một người 20 triệu thì lập tức lại phải xoay như chong chóng xoay tiếp khi một người khác gặp phải tai nạn, cần tiền chữa trị. Có những lúc người cho vay cần gấp trong khi vợ chồng tôi không thể xoay đâu được nữa nên vài lần đành thất hứa và không dám về quê ăn cưới, dự lễ lạt gì.  

Bản thân tôi lúc nào cũng nơm nớp lo lắng khi trong nhà hầu như chẳng có đồng nào. Nhiều lần nghĩ quẩn, giờ nhỡ đâu hai con hay bố mẹ mình có đau ốm, bệnh tật thì không biết phải xoay tiền đâu để chữa trị. Tôi chỉ cầu mong trời thương cho cả nhà khỏe mạnh để hai vợ chồng tập trung làm cật lực trả vãn nợ.

Quá căng thẳng, mệt mỏi, vợ chồng tôi cũng không ít phen cãi nhau. Không ít tháng hai đứa con ngày nào cũng về kể bị cô giáo nhắc tên chưa đóng học khi đã quá hạn. 

Hiện tại, khó khăn cũng dịu bớt. Tính ra, trong hai năm qua, vợ chồng tôi cũng trả được hơn 1/3 số nợ vì không phải lo phần lãi nhưng nhiều mối quan hệ bị sứt mẻ. Có những người vì có việc cần đòi gấp mà sau đó ngại với vợ chồng tôi, tránh gặp, mặc dù chúng tôi hiểu do bất quá họ mới phải làm vậy nên chẳng dám trách móc gì. Một số người khác thì do chúng tôi không xoay kịp nên bị người ta nói vài câu nặng lời và hai bên cũng hạn chế gặp nhau. Trong lòng tôi thì luôn biết ơn những người đã sẵn sàng cho mình vay khi gặp khó khăn. Nhưng quả thực nếu được làm lại, tôi sẽ không đặt mình cũng như người thân vào tình thế bí bách vì nợ nần như thế một lần nữa. 

Chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM) cho biết, không ít người vì cố mua được căn nhà trong khi khó khăn về thủ tục vay ngân hàng hoặc muốn giảm khoản trả lãi nên cố gắng vay mượn của người thân, bạn bè. Tuy nhiên, nếu khoản vay này lớn, họ rất dễ trở tay không kịp vì có thể bị đòi đột xuất. Nhiều người còn mất cả mối quan hệ vì không thể xoay xở trả ngay khi người cho mượn cần. Bản thân ông cũng từng gặp tình huống này. Ông mời 2 người thân cùng hùn vốn mua căn hộ cho thuê nhưng khi mua xong, đang sửa sang thì một người đòi tiền nên chỉ còn nước vội vàng bán căn hộ đi để trả tiền lại.

Ông Bội Lê cho rằng, đây là một thực tế dễ thấy bởi người thân không phải ngân hàng nên khó cam kết về thời hạn. Một số trường hợp cho vay không lãi nhưng tính theo USD hay vàng thì lại có thể là một rủi ro khác cho người đi vay.

Để tránh các rắc rối đó, theo chuyên gia, chỉ có cách không vay người thân hoặc vay thì thoả thuận điều kiện y như với ngân hàng, khác là định mức lãi suất sao cho hai bên cùng có lợi.

Ngoài ra, dù vay ngân hàng hay người thân, quen thì bạn cũng phải có kế hoạch trả nợ cụ thể và thoả thuận với người cho vay về kế hoạch đó bằng giấy tờ để tránh lời nói gió bay.

 

Cần lưu ý những gì khi vay tiền ngân hàng để mua nhà?
(ĐTCK) Hiện nay, gần như chủ đầu tư nào cũng kết hợp với ngân hàng để triển khai gói tín dụng cho khách hàng mua nhà. Đây là sự hỗ trợ về tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư