Thứ Năm, Ngày 29 tháng 05 năm 2025,
VCCI kiến nghị bỏ loạt quy định "làm khó" doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Thế Hải - 28/05/2025 10:27
 
VCCI đề nghị bỏ quy định thương nhân mới phải đảm bảo dự trữ tối thiểu 1.250 tấn gạo, bởi gây áp lực tài chính lớn, tạo thêm rào cản không cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp chưa có hợp đồng xuất khẩu.
VCCI Kiến nghị bỏ loạt quy định cản trở doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
VCCI kiến nghị bãi bỏ loạt quy định cản trở doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về việc góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2025/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhằm loại bỏ rào cản và đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, chi phí tuân thủ thấp.

Quan điểm của VCCI là việc sửa đổi các quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh theo cơ chế thị trường và hạn chế tối đa chi phí tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp.

Theo VCCI, quy định bắt buộc thương nhân phải sở hữu kho chứa thóc, gạo (không cho phép thuê) tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP là không phù hợp với cơ chế thị trường, làm tăng chi phí gia nhập, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đi ngược lại tinh thần “quản lý chứ không cấm đoán” như Nghị quyết số 68-NQ/TW (về phát triển kinh tế tư nhân) đã đề ra.

Cơ quan này cũng đề nghị bỏ quy định thương nhân mới phải đảm bảo dự trữ tối thiểu 1.250 tấn gạo sau 45 ngày được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, và duy trì cho đến khi có thành tích xuất khẩu gạo. 

"Quy định này sẽ gia tăng đáng kể điều kiện gia nhập thị trường với các doanh nghiệp mới. Trong giai đoạn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu, yêu cầu phải nhập và dự trữ một lượng lớn gạo sẽ khiến doanh nghiệp phải huy động vốn lớn, chịu chi phí lưu kho, bảo quản, từ đó gia tăng chi phí không cần thiết", VCCI lý giải.

Cùng đó, VCCI đề nghị bãi bỏ quy định cấm doanh nghiệp chưa có giấy phép ủy thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đã được cấp phép trong Nghị định 01/2025/NĐ-CP, vì quy định này làm giảm khả năng tận dụng năng lực sản xuất và cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất ra gạo đạt tiêu chuẩn nhưng chưa có điều kiện xin cấp giấy phép vì điều kiện kinh doanh tương đối cao. Có trường hợp, doanh nghiệp còn phải tính đến phương án “đẩy” khách hàng sang mua gạo của các thị trường lân cận có điều kiện kinh doanh xuất khẩu thông thoáng hơn như Campuchia, Thái Lan, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa.

Ngoài ra, VCCI không đồng tình với quy định thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không nộp báo cáo dự trữ gạo trong vòng 45 ngày kể từ khi có văn bản đôn đốc.

Việc cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp cung cấp số liệu để phục vụ việc điều hành là hoàn toàn thỏa đáng và cần thiết. Tuy nhiên, việc thu hồi giấy phép khi doanh nghiệp không báo cáo là quá nặng so với tính chất của hành vi vi phạm.

"Về bản chất, hành vi này là hành vi vi phạm hành chính, và do đó chỉ nên xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng mức phạt cao. Việc thu hồi giấy phép chỉ nên áp dụng với các trường hợp không đáp ứng điều kiện kinh doanh, do đó không còn đủ tư cách thực hiện kinh doanh", theo VCCI.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư