Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Về miền cổ tích Kyoto
Đức Hạnh - 28/11/2018 09:48
 
Đất nước Nhật Bản nổi tiếng với những đồ điện tử hiện đại, những hãng xe hơi thanh lịch, và còn nữa những khu vườn, khu làng cổ tích nằm duyên dáng bên vịnh cảng tĩnh lặng hay nép mình dưới những dãy núi vàng rực mỗi độ thu sang.

Sau hơn 4 giờ bay từ Hà Nội, chúng tôi được các đại diện của sân bay Kansai, đại diện thành phố Katsuragi và đại diện thành phố Osaka chào đón với những quả hồng giòn đặc sản của tỉnh Wakayama căng mọng, ngọt ngào, nếm một miếng mà muốn ăn mãi không ngừng.

Những ngôi nhà mái tranh Kayabuki dưới chân núi Yamamura Kyoto được bình chọn là khu vực bảo tồn quần thể vật truyền thống quan trọng của Quốc Gia.
Những ngôi nhà mái tranh Kayabuki dưới chân núi Yamamura Kyoto được bình chọn là khu vực bảo tồn quần thể vật truyền thống quan trọng của Quốc Gia.

Dời sân bay, chúng tôi khởi hành đến cố đô Kyoto cổ kính, nơi từng là thủ đô hưng thịnh của Nhật Bản trong suốt 1000 năm kể từ năm 794. Ngoài kho tàng di sản văn hóa thế giới ấn tượng với hàng chục đền chùa, điện thờ và thành cổ, thành phố Kyoto hiện tại vẫn mang dáng dấp xưa khá đặc trưng. Dọc hai bên những tuyến đường to rộng hiện đại, không hề thấy bóng dáng cao ốc hiện đại, mà chỉ thuần là những ngôi nhà 2, 3 tầng xây theo lối truyền thống ẩn hiện sau những hàng cây hạnh lá vàng, cây phong lá đỏ hay những cánh đồng xanh mướt, dưới chân những rặng núi ánh vàng.

Điểm dừng chân đầu tiên về miền cổ tích Kyoto là ngôi làng nhỏ Miyama dưới chân núi Yamamura, thuộc quận Chiichi, miền Bắc Kyoto. Khu làng nhỏ với gần 50 ngôi nhà tranh Kayabuki được dựng theo phong cách kiến trúc Irimoya-zukuri và lối trang trí Chigi truyền thống Nhật Bản nhưng lại mang tới cho du khách cảm giác đang lạc giữa những câu truyện cổ Grim trứ danh trời Âu.

Làng cổ Miyama vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những vật dụng hàng ngày và nông cụ cổ từ hàng trăm năm trước.
Làng cổ Miyama vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những vật dụng hàng ngày và nông cụ cổ từ hàng trăm năm trước.

Từ xa, những mái tranh nhọn cao vút mướt rêu non nổi bật trên nền trời xanh thẳm, ruộng đồng xanh nâu, điểm sắc vàng óng ả, sắc đỏ rực lửa của cây lá giữa độ thu về giữa mang vẻ trầm mặc, yên bình và nguyên sơ. Tới gần hơn, mái nhà tranh khổng lồ được kết từ những lớp cỏ tranh dày hàng tấc, đổ dốc, xòe rộng như những chiếc ô nhung che chắn cho khuôn nhà gỗ đã lên nước nâu sẫm phía dưới. Mỗi ngôi nhà mang một vẻ đẹp rất riêng, vô cùng hút mắt được tô điểm bới vô số các loài hoa đồng nội xinh đẹp, những đám bông lau duyên dáng, những cây hồng trĩu quả và vườn cải củ xanh mát.

Ngôi nhà cổ nhất trong làng đã được xây dựng từ cuối thời kỳ Edo (1603-1868), nay vẫn được bảo tồn và tôn tạo rất tốt.
Ngôi nhà cổ nhất trong làng đã được xây dựng từ cuối thời kỳ Edo (1603-1868), nay vẫn được bảo tồn và tôn tạo rất tốt.

Thật khó nhận ra ngôi nhà nào có tuổi thọ cao nhất bởi dù ngôi nhà cổ nhất trong làng đã được xây dựng từ cuối thời kỳ Edo (1603-1868) nhưng tới nay tất cả đều được bảo tồn rất tốt, đều sinh động và tràn đầy sức sống.

Sau một hồi rảo bước, chụp hình và trò chuyện với người dân quanh làng, không gì thi vị bằng được dừng chân tại một trong những ngôi nhà cổ tích, ngồi quanh bếp lửa hồng ngắm nhìn những đồ vật trang trí nhỏ nhắn, tinh tế hay nhâm nhi tách trà ấm bên hiên nhà và ngắm nhìn vườn bonsai độc đáo của gia chủ. Thời gian như lắng đọng, con người thật thảnh thơi, được sống chậm, thoát hẳn khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của các đô thị hay các điểm du lịch lớn.

Dừng chân tại ngôi làng Miyama, du khách không thể bỏ lỡ bữa trưa truyền thống thuần Nhật tại ngôi nhà cổ trong làng.
Dừng chân tại ngôi làng Miyama, du khách không thể bỏ lỡ bữa trưa truyền thống thuần Nhật tại ngôi nhà cổ trong làng.

Quyến luyến tạm biệt những người dân làng hiếu khách, chúng tôi tiếp tục hành trình đến làng chài truyền thống Nhật Bản ở thành phố Ine, Yosa-gun, Kyoto bên vịnh Ine.

Nếu ngôi làng Miyama đưa ta vào thế giới cổ tích Grim thì khu làng nổi Funaya trên vịnh Ine khiến ta liên tưởng tới thành phố Venice lãng mạn của nước Ý với những lâu đài cổ kính dọc các con kênh.

Làng chài Funaya trên vịnh Ine được mệnh danh là Venice của Xứ sở hoa Anh Đào.
Làng chài Funaya trên vịnh Ine được mệnh danh là Venice của Xứ sở hoa Anh Đào.

Thế nhưng khác hẳn sự náo nhiệt ở trời Âu, Venice của xứ sở hoa Anh Đào đẹp êm đềm đến tĩnh lặng. Dạo bước trên phố vào mỗi buổi chiều thu, bạn có thể nghe thấy tiếng gió lùa khe cửa cót két, tiếng rèm vải va vào cửa gỗ phần phật xen lẫn tiếng cá quẫy, tiếng chim đập cánh về tổ.

Quanh vịnh biển Ine có hơn 200 ngôi nhà gỗ nằm nép mình dưới chân núi và mặt ra biển làm nơi tàu thuyền neo đậu.
Quanh vịnh biển Ine có hơn 200 ngôi nhà gỗ nằm nép mình dưới chân núi và mặt ra biển làm nơi tàu thuyền neo đậu.

Từ đất liền nhìn ra, những ngôi nhà gỗ tường trắng, gỗ nâu, lặng lẹ bập bềnh trên mặt biển trong xanh vô cùng lãng mạn. Thế nên ngôi làng được vinh danh một trong ba ngôi làng đẹp nhất nước Nhật và xuất hiện trong nhiều bộ phim ăn khách Nhật Bản.

Kho chứa đồ chài lưới ở ngay tầng 1 của các ngôi nhà nổi Funaya
Kho chứa đồ chài lưới ở ngay tầng 1 của các ngôi nhà nổi Funaya

Funaya tiếng Nhật có nghĩa là “nhà thuyền”, và đúng với tên gọi của ngôi làng, có hơn 200 nhà thuyền lặng lẽ nối tiếp gối lưng vào núi, hướng mặt ra vịnh Ine. Nhà thuyền bằng gỗ được xây dựng kiểu truyền thống từ thời Edo, bao gồm nhà ở, nhà kho và cả “garage thuyền” để buộc tàu ở dưới, đảm bảo việc sinh hoạt và làm ăn của cư dân làng Ine. Các ngư dân neo thuyền tại tầng 1 của các căn nhà để lấy ngư cụ, đồ đạc, dọn dẹp thuyền, gia công, chế biến, sấy khô cá...

Mặc dù bên ngoài hiếm bóng người qua lại nhưng trong quán rượu Sake nổi tiếng của thị trấn vẫn tấp nập những ẩm khách sành thưởng men nồng.
Mặc dù bên ngoài hiếm bóng người qua lại nhưng trong quán rượu Sake nổi tiếng của thị trấn vẫn tấp nập những ẩm khách sành thưởng men nồng.

Khu nhà nổi Funaya được xây dựng ở vị trị có độ cao ngang với mặt biển của vịnh Ine, nên bước ra khỏi nhà gặp ngay mặt nước trong veo in rõ hình mây trời. Khi đã tới đây, du khách ít ai bỏ qua cơ hội tuyệt vời ngồi nhâm nhi vài ly Sake trên chiếc bè nổi dập dềnh ngắm hoàng hôn nhuộm vàng mặt nước lung linh, đàn cá nhảy tý tách xung quanh và thi thoảng chú hải âu bổ nhào quắp cá.

Thị trấn hiếm bóng người qua lại là vậy nhưng nếu gặp bất cứ người dân nào trên đường, bạn đều nhận được những lời chào hồ hởi. Thi thoảng gió lùa mang theo hơi rượu Sake thơm nựng, khiến du khách chẳng muốn dời chân đi.

Đi lại:

Hãng hàng không Vietjet vừa đưa vào khai thác đường bay Hà Nội – Osaka khứ hồi hàng ngày. Thời gian bay mỗi chặng hơn bốn giờ bằng tàu bay A321neo mới và hiện đại. Chuyến bay khởi hành từ Hà Nội vào lúc 01h40 và đến Osaka lúc 07h50. Chiều ngược lại cất cánh dự kiến vào lúc 09h20 từ Osaka và tới Hà Nội lúc 13h05. Hãng sẽ tiếp tục tiếp tục khai trương thêm hai đường bay mới đến Nhật Bản bao gồm Tp.HCM-Osaka (Kansai) từ ngày 14/12/2018 và Hà Nội-Tokyo (Narita) từ ngày 11/01/2019.

.
.
An Giang mời gọi Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và xuất khẩu lao động
Đó là phát biểu của ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong buổi Họp mặt hữu nghị vào ngày 16/11/2018 tại TP. Long Xuyên với đoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư