Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 04 năm 2025, 23h14
Vị đắng sau cái bắt tay ITG - Phong Phú
Thế Hải - 21/10/2013 07:54
 
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú trao đổi về sự cố “đứt gánh” của liên doanh ITG - Phong Phú (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng) mà Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn đã đề cập.

Thưa ông, Dự án Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú của Công ty TNHH ITG - Phong Phú (liên doanh giữa Tập đoàn ITG - Hoa Kỳ với Tổng công ty cổ phần Phong Phú) đã dừng hoạt động chỉ sau 3 năm vận hành. Có thể coi đó là một thất bại?

Mục đích của Phong Phú trong việc lập liên doanh trên là mở rộng quy mô cả về chiều sâu, chiều rộng, để vươn ra thị trường thế giới, học hỏi kinh nghiệm từ đối tác ITG vốn là doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ trong lĩnh vực dệt may.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú

Quan điểm của Phong Phú là với bất kể dự án nào, cũng luôn lấy hiệu quả làm đầu.

Song khi liên doanh hoạt động không như mong muốn, thì dừng sản xuất sớm ngày nào hay ngày đó, để không thể thua lỗ thêm.

Vốn góp của Phong Phú tại liên doanh chiếm 40% trong tổng số 80 triệu USD. Đây là khoản đầu tư không nhỏ...

Cho đến lúc này, khi mọi chuyện chưa kết thúc, thì khoản vốn góp của Phong Phú vào dự án vẫn nằm trong nhà máy, bao gồm thiết bị, nhà xưởng…

Tất nhiên, không thể phủ nhận là khi Dự án phải dừng sản xuất, thiệt hại là không thể tránh khỏi.

Song quá trình liên doanh với một tập đoàn lớn như ITG cũng giúp Phong Phú có thêm được nhiều kinh nghiệm, học được thêm công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm từ sợi, dệt, quần áo…

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động, sự cố này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của rất đông lao động từng làm việc tại đây?

Với 3.000 lao động, việc Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú dừng sản xuất gần 2 năm nay ít nhiều đều để lại hệ lụy đối với người lao động. Đến thời điểm này, ITG - Phong Phú đã đến lúc chia tay và chúng tôi đã ra tòa để giải quyết, nhưng câu trả lời cuối cùng cho sự tồn tại của Dự án thì cả hai phía đều đang phải chờ phán quyết từ Tòa án.

Phong Phú có tính đến việc đầu tư thêm để mua lại dự án không?

Quan điểm của Phong Phú là, bán lại cho đối tác mới cũng là một hướng xử lý tốt, để sau đó giải quyết những câu chuyện tồn tại về vốn đầu tư, công nợ, cũng như chế độ, chính sách cho những người liên quan… Còn có mua lại hay không, thì tại thời điểm này, Phong Phú chưa thể công bố.

Đây là một dự án lớn, công suất lớn, nên để có thể tiếp nhận, phải giải quyết được đồng bộ, từ sản xuất, kỹ thuật, đến thị trường. Ngoài ra, cũng phải nói thêm, điều mà Phong Phú mong muốn hơn cả là hai bên liên doanh thỏa thuận để Dự án có thể hoạt động trở lại.

Bài học kinh nghiệm mà Phong Phú rút ra sau sự việc này là gì?

Phong Phú là doanh nghiệp lớn thuộc của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và chúng tôi coi đầu tư là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án chịu rủi ro.

Phong Phú đã từng liên doanh với đối tác nước ngoài từ hai chục năm trước và hiện các liên doanh vẫn hoạt động rất hiệu quả. Có thể kể đến liên doanh giữa Tập đoàn Coats Holdings Ltd và Phong Phú, được thành lập năm 1989, với tổng số vốn đầu tư 14,6 triệu USD, trong đó 75% do Coats đóng góp.

Dự án chuyên sản xuất chỉ may, chỉ thêu, chỉ may giày, đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường Việt Nam và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia từ nhiều năm nay. Chúng tôi còn có một liên doanh may quần xuất khẩu với 2 đối tác của Pháp và Thụy Điển cũng đang hoạt động rất tốt.

Phong Phú cán đích doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017
Hội đồng quản trị, Cơ quan điều hành và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Tổng công ty CP Phong Phú, các đơn vị thành viên đã thống nhất về mục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư