Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao dự án dệt may đình đám ITG - Phong Phú đứt gánh?
Hải Yến - 08/10/2013 08:04
 
Dự án đình đám một thời - Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú - đã dừng hoạt động từ đầu năm 2012, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, để lại nhiều nuối tiếc cho ngành dệt may. Phong Phú cán đích doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017

Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú là dự án của Công ty TNHH ITG - Phong Phú (liên doanh giữa Tập đoàn ITG - Hoa Kỳ với Tổng công ty cổ phần Phong Phú). Dự án được khởi công đầu năm 2007 tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), có tên tiếng Anh là Burlington - Phongphu Solutions Supply Chain City.

Liên doanh Phong Phú - ITG là một trong những dự án có vốn FDI lớn nhất trong ngành dệt may, với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD (ảnh minh họa)

Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú à một trong những dự án có vốn FDI lớn nhất trong ngành dệt may (tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, trong đó ITG góp 60% vốn, nắm quyền điều hành sản xuất, kinh doanh) vào thời điểm đó.

Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú được đầu tư đồng bộ, với chuỗi sản xuất khép kín, từ khâu đầu dệt nhuộm đến khâu cuối, sản phẩm cuối cùng là quần kaki với thương hiệu Burlington để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước khác, công suất nhuộm và hoàn tất khoảng 60 triệu mét vải/năm.

ITG được biết đến là một tập đoàn dệt may lớn của Hoa Kỳ, còn Tổng công ty cổ phần Phong Phú là một trong những doanh nghiệp mạnh của ngành dệt may Việt Nam, với vốn điều lệ 625 tỷ đồng.

Việc lập liên doanh, tiếp nhận công nghệ và tận dụng hệ thống tiêu thụ của ITG sẽ hỗ trợ đáng kể cho mục tiêu cải tiến chất lượng vải nguyên liệu, nâng cao uy tín thương hiệu Phong Phú.

Không chỉ mang lại kỳ vọng cho riêng Tổng công ty cổ phần Phong Phú, sự xuất hiện của liên doanh quy mô, bề thế ITG - Phong Phú còn mở ra một hướng đi mới của cả ngành dệt may - tận dụng thương hiệu, vốn, công nghệ và lợi thế thâm nhập thị trường quy mô lớn.

Phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng Dự án, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Công ty TNHH ITG - Phong Phú cũng cho biết, sự ra đời của ITG - Phong Phú ngay sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO đã đánh dấu một bước hợp tác phát triển mới giữa ngành dệt may Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt ghi dấu ấn của Phong Phú trong việc nâng cao sức cạnh tranh bằng liên kết ngoại.

Cuối năm 2008, Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú được đưa vào hoạt động, chính thức bắt đầu hiện thực hoá kỳ vọng của Phong Phú. Thế nhưng, sau 3 năm hoạt động, với nhiều lý do khác nhau, Dự án đã không mang lại hiệu quả. Phong Phú - cổ đông không chiếm chi phối không đồng ý với điều này, vì càng sản xuất càng lỗ, buộc hai bên phải thống nhất tạm ngưng sản xuất đến khi ITG đưa ra được phương án sản xuất hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú xác nhận, thông tin dự án liên doanh ITG - Phong Phú dừng hoạt động là có thực. “Phong Phú đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để hai bên thống nhất, từ đó đưa công ty liên doanh hoạt động trở lại”, ông Trình nói.

Còn đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Đà Nẵng thì cho biết, Dự án ngừng hoạt động do đang trong quá trình tìm đối tác để chuyển nhượng.

Theo bà Bùi Thị Thu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Ban lãnh đạo Tổng công ty rất tiếc khi để Dự án rơi vào tình trạng như hiện nay. Với nhu cầu lớn về mở rộng quy mô sản xuất, Phong Phú rất mong có được một nhà máy lớn tại khu vực miền Trung để cung cấp vải cho các doanh nghiệp trực thuộc.

“Tổng công ty rất mong muốn giải quyết những tồn tại giữa 2 bên trong liên doanh, tránh tình trạng để nhà máy đóng cửa quá lâu, ảnh hưởng tới nhà xưởng, thiết bị, máy móc”, bà Thu nói.

Được biết, năm 2012, Tổng công ty cổ phần Phong Phú đạt tổng doanh thu hợp nhất gần 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 304 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 262 tỷ đồng, chi trả cổ tức ở mức 25%. Năm 2013, Tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 279 tỷ đồng.

Vì sao một dự án có vốn FDI lớn trong ngành dệt may lại đứt gánh giữa đường? Giải pháp của Phong Phú về vấn đề lao động, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc của Dự án? Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này trên các số báo sau.

Nút thắt của ngành công nghiệp dệt may
Kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu dệt may hầu như vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vì thế, phân khúc sợi, dệt – nhuộm – hoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư