Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cung sợi tăng nhanh nhờ đại dự án
Thế Hải - 15/09/2013 21:23
 
Nguồn cung mặt hàng sợi, một trong những loại nguyên phụ liệu chính của ngành dệt may đang gia tăng nhanh chóng, do một loạt dự án đầu tư lớn vừa được đưa vào hoạt động, 10 dự án khác đang được đầu tư xây dựng. Vinatex khởi công Nhà máy sợi tại Thừa Thiên Huế

Dự án lớn nhất, cả về quy mô, sản lượng, lẫn tổng vốn đầu tư (300 triệu USD), do Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long, thuộc Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) mới khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn I, với sản lượng 46.000 tấn/năm… Giai đoạn II của Dự án cũng đã được khởi công, sau khi hoàn thành, sẽ nâng tổng sản lượng lên 92.000 tấn/năm.

Nguồn cung mặt hàng sợi, một trong những loại nguyên phụ liệu chính của ngành dệt may đang gia tăng nhanh chóng

Dù quy mô không lớn như dự án của Texhong, nhưng nhà máy công suất 6.600 tấn sợi cotton/năm của Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam (thuộc Tập đoàn Kyungbang Hàn Quốc) cũng cung cấp nguồn cung đáng kể cho ngành sợi trong nước. Dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, mới được đưa vào khai thác tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Một loạt dự án của doanh nghiệp có vốn nhà nước là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng mới được đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2013. Cụ thể, Dự án Nhà máy Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) quy mô 3 vạn cọc sợi, đi vào hoạt động trong tháng 4/2013; Nhà máy Sợi Phú Bài 2 đi vào hoạt động tháng 3/2013, có quy mô 15.000 cọc sợi; Nhà máy sợi Phú An (Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) có quy mô giai đoạn I là 12.000 cọc sợi, đưa vào sử dụng tháng 4/2013.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex cho hay, Vinatex đang có 4 dự án nguyên phụ liệu lớn đang trong quá trình triển khai. Đó là Nhà máy Sợi Pvtex Nam Định (60.000 cọc sợi), Nhà máy Sợi Pvtex Phú Bài 3 (1 vạn cọc sợi), Nhà máy Sợi Đông Phú (1,5 vạn cọc), Nhà máy Sợi Phú Hưng (2,16 vạn cọc sợi). Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ bổ sung năng lực cho ngành dệt sợi trong nước.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 8 tháng đầu năm, xơ sợi có giá trị nhập khẩu xấp xỉ 1,1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, nếu tính lượng xơ sợi mà Việt Nam xuất khẩu trong cùng thời điểm đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ, thì ngành dệt may đang xuất siêu với mặt hàng này.

Thực tế trên cho thấy, năng lực sản xuất và cung ứng sợi của ngành đã có sự tăng tốc rõ ràng trong những năm qua, với 4,3 triệu cọc sợi, năng lực 550.000 tấn sợi/năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sợi để phục vụ sản xuất. Bởi vậy, cơ hội vẫn đang mở ra cho các nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực này, đặc biệt với những chủng loại sợi mà Việt Nam đang phải nhập khẩu nhiều.

Thời gian tới, năng lực sản xuất sợi của ngành dệt may sẽ tiếp tục có cơ hội được khẳng định, khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia tích cực các vòng đàm phán, được ký kết.

Lúc đó, thuế suất thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ, thị trường hấp thu đến 44% sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012, sẽ giảm từ 17% xuống 0%. Đi kèm với đó, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi” thực hiện trong nước hoặc tại các nước thành viên TPP.

Nút thắt của ngành công nghiệp dệt may
Kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu dệt may hầu như vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vì thế, phân khúc sợi, dệt – nhuộm – hoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư