Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vì sao Công ty Huy Việt Nam lại đăng ký hoạt động ở đảo Cayman?
Anh Hoa - 12/02/2016 08:52
 
Huy Việt Nam không đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà là đảo Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).

1.
Hơn 10 năm rồi nếu tính từ thời điểm Huy Nhật về Việt Nam để tìm cách phát triển kinh doanh. Sau một thời gian dài im ắng, năm 2015, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam trở thành nhân tố gây bất ngờ trên thị trường ẩm thực trong nước với chuỗi cửa hàng Phở Ông Hùng, Món Huế, Cơm Express, tăng từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng cuối năm vừa qua.

Được thành lập từ năm 2007, doanh nghiệp này đi theo một ý tưởng khác biệt so với các chuỗi ẩm thực khác. Hệ thống chuỗi cửa hàng của Huy Việt Nam hiện có 3 thương hiệu chính, với 3 chuỗi nhà hàng chuyên các món ăn đặc trưng của vùng miền, bao gồm Món Huế (ẩm thức Huế, miền Trung), phở Ông Hùng (miền Bắc) và Cơm Express (miền Nam).

.
Doanh nhân Huy Nhật, CEO Công ty Huy Việt Nam

Trong đó, thương hiệu món Huế ra đời sớm nhất và cũng mạnh hơn cả, có độ phủ trên cả nước. Cơm Expres và Phở Ông Hùng có ít nhà hàng hơn và cũng mới có mặt tại Sài Gòn. Đối tượng khách hàng mà chuỗi nhà hàng của Huy Việt Nam hướng tới là những người trung lưu trẻ tuổi, đang dần thích nghi với thói quen ra ngoài ăn uống.

Tháng 4/2015, Huy Việt Nam đã gọi vốn thành công vòng series C (thời điểm đầu tư để thúc đẩy bán hàng và gia tăng lợi nhuận) với số tiền lên tới 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng). Khoản tiền này được rót từ Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius quản lý. Thậm chí, nhà đầu tư này còn dí dỏm: “Khi nào ông Huy cần tiền nữa, chúng tôi sẽ đưa ngay”.

Huy Việt Nam từng 3 lần được các quỹ đầu tư ngoại rót vốn, với tổng số tiền 65 triệu USD, trong đó, lớn nhất là Quỹ Templetin Asset Management. Ngoài Templeton, các quỹ đầu tư khác như Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners hay Welkin Capital đều đang là chủ sở hữu của Huy Viet Nam.

Gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam lại sóng gió khi các nhà đầu tư xôn xao rằng, Huy Việt Nam là ai mà lại nộp hồ sơ IPO ở Sàn Giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEx), số vốn huy động được dự kiến sẽ lên tới 100 triệu USD.

Tuy nhiên, Huy Việt Nam không đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà là đảo Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). Lý do là HKEx chưa công nhận Việt Nam là thị trường đạt chuẩn cho việc đăng ký hoạt động của các công ty muốn niêm yết tại đây. Việc đăng ký tại đảo Cayman sẽ giúp Công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á này.

Nhiều người tò mò về tỷ lệ cổ phần Huy Việt Nam sẽ bán ra, nhưng cũng đặt câu hỏi, đây có phải là chiêu trò PR của Huy Việt Nam? Ông Huy Nhật giải thích: “Bất cứ công ty nào có vốn đầu tư của nước ngoài đều có cam kết với các nhà đầu tư về thời điểm IPO. Ngay từ khi có ý định kéo vốn đầu tư, tôi đã có chiến lược chuẩn bị niêm yết ở Hong Kong, vì đây cũng là nơi lý tưởng nhất để niêm yết về thanh khoản, vốn, pháp lý, tên tuổi ở châu Á”.

Huy Việt Nam là một công ty chế biến thực phẩm và nhà hàng chỉ là một trong mảng kinh doanh. Hiện Công ty có chiến dịch xây nhà máy đủ tiêu chuẩn để sản xuất sản phẩm ăn nhanh, hâm nóng, đóng gói sẵn cung cấp vào siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, nhà hàng, các hãng hàng không, khu công nghiệp. Đây là thị trường rộng lớn, khi con người ngày càng bận rộn.

Công ty sẽ đầu tư 20 triệu USD để xây nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An, cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận trong đầu năm nay. Tiếp đó, Huy Việt Nam sẽ Bắc tiến với một nhà máy sản xuất thực phẩm ở ngoại ô Hà Nội, vốn đầu tư khoảng 5-7 triệu USD.

2.
Sở dĩ Huy Việt Nam trở thành công ty hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đồ ăn, ngoài những yếu tố thông thường như sở hữu những sản phẩm tốt, đội ngũ quản lý tinh nhạy, biết bỏ vốn đúng chỗ, thì người chủ của nó còn biết kể câu chuyện sexy. Bởi thị trường thực phẩm, tiêu dùng, đồ ăn Việt Nam vẫn được ví như cô gái đẹp mà các nhà đầu tư muốn chiếm giữ.

Là chuyên gia ẩm thực, mỗi lần đi công tác trong hay ngoài nước, Huy Nhật đều tới những quán khác nhau tìm những hương vị khác lạ, đặc biệt để đem về phát triển ở Huy Việt Nam. Sau khi thưởng thức, ông cảm nhận và phán đoán xem liệu hương vị đó có tái hiện được không, có thể nhân rộng ra thành những món ăn bán trong chuỗi hay không. Nếu thấy mọi chuyện ổn, ông sẽ trực tiếp mời đầu bếp, hoặc mua lại chuỗi nhà hàng đó để phát triển, thay vì về và mày mò tự học nấu.

“Nếu họ không chịu bán, tôi sẽ thử tự nấu nhưng chắc chắn thất bại. Mỗi người có một nghề, họ nấu ra được tô phở, món ăn nào đó đều có vị riêng, mà tôi không thể lặp lại được. Riêng công thức nấu tất cả các món Huế tại chuỗi nhà hàng đều do tay mẹ tôi làm ra cả. Ai đó có thể đến ăn rồi về bắt chước làm, nhưng chỉ đạt 70-80% thôi. Đây là câu chuyện rất sexy của Huy Việt Nam đó”, ông Huy Nhật úp mở.

Công thức bí mật này giống như vẻ đẹp sexy nhưng bí ẩn của người con gái mà nhiều người muốn khám phá. “Đó là bí mật và tôi muốn giữ lại điều đó làm của hồi môn”, ông nói.

3.
Huy Nhật tuổi Giáp Dần (1974) mang tính cách của nhà lãnh đạo mạnh mẽ, thích chỉ huy người khác và khát khao được là người số một. Điều này được thể hiện rất rõ trên logo hình con hổ của Huy Việt Nam. Ông bảo, mình không rành về tướng số. Ông chỉ biết rằng, khi làm bất cứ điều gì, ông cũng muốn hết lòng với nó, nên mới gắn tên Huy làm tên công ty để nó trở thành linh hồn của ông.

Ông chuộng tư duy lãnh đạo phương Tây, vì để làm công ty quy mô theo chuỗi, phải có nền tảng, kiến thức bài bản, phong cách điều hành cởi mở, không gia đình hóa như Việt Nam. Ở Huy Việt Nam, bất cứ ai có khả năng nổi trội đều có thể vươn lên, chứ không chỉ có bà con họ hàng.

Thật ra, hiếm có công ty nào ở Việt Nam trong ngành thực phẩm sở hữu người tài giỏi, học cao. Những người này có tâm lý không muốn làm nghề phục vụ vì sợ mất mặt, mà muốn làm cho công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, công nghệ nào đó. Ông muốn có môi trường cởi mở làm nên dấu ấn của Huy Việt Nam trong ngành này bằng cách dần thay đổi tư duy về chọn nghề, chọn công việc cho giới trẻ. Chẳng thế mà, có người mới làm cho công ty 1-2 năm mà đã lên tới trưởng bộ phận, giám đốc cửa hàng, trưởng vùng, với mức thu nhập rất hậu hĩnh. Lúc đó, họ mới vỡ ra rằng, làm nhân viên nhà hàng cũng có thể có một cuộc sống rất sung túc. 

Thời mới thành lập công ty, để có những nhân sự tốt, ông phải tự lùng sục, thấy ai có máu lửa là mời họ ăn uống này nọ để lấy lòng. Nhưng giờ Huy Việt Nam đã có tầm cỡ, thì nguồn lực này lại tự tìm đến với ông.

Cuộc trò chuyện với ông diễn ra cùng thời điểm ông đang phỏng vấn các vị trí trưởng bộ phận và trưởng vùng (quản lý từ 5-7 chi nhánh) tại trụ sở Huy Việt Nam ở quận 1, TP.HCM. Giống như nhiều cuộc phỏng vấn trước đây, điều mà các nhân viên quan tâm nhất khi đến với Huy Việt Nam là Công ty có cho họ cơ hội phát triển nghề nghiệp, nâng tầm của họ lên hay không.

“Khi muốn tuyển người sát cánh với mình, điều đầu tiên là tôi phải xem họ có máu lửa kinh doanh, có đạo đức làm nghề hay không. Đó là điều rất quan trọng để quyết định trong tương lai họ có khả năng thay thế tôi hay không. Có thể lúc này họ chưa có, thì tôi sẽ tìm cách phát huy điểm mạnh của họ”, Huy Nhật chia sẻ.

Khởi nghiệp đang trở thành làn sóng ở Việt Nam, trong đó nhiều công ty mới đã đánh bật các công ty có tên tuổi. Cái tên Huy Việt Nam hiện chưa thể gọi là đánh bật các công ty khác, nhưng nếu đây là tâm huyết và đam mê của Huy Nhật, thì điều này có thể xảy ra. Nhưng ông đang rất băn khoăn, khi công ty đã phát triển đủ lớn, thì nhân viên có còn máu lửa, có thúc đẩy tư duy sáng tạo nữa hay không? Vậy nên, người thuyền trưởng như ông lúc nào cũng phải truyền lửa cho tập thể để họ không bị động, dậm chân tại chỗ. 

“Sự vươn lên, máu lửa của start-up phải luôn được duy trì kể cả khi đã lớn mạnh. Khi nhân viên không nhìn thấy điều đó ở công ty, người tài sẽ tự rời bỏ và chỉ còn lại những người không còn máu lửa. Khi đó, người chủ giỏi cỡ nào thì Huy Việt Nam cũng khó trụ lại trên thị trường”, Huy Nhật suy tư với vẻ mặt như đang ấp ủ một câu chuyện sexy khác, để một thời gian nữa lại khiến nhà đầu tư phải săn lùng.

Vòng Thanh Cường, CEO Boomerang: Cuộc chơi truyền thông và nghệ thuật lắng nghe mạng xã hội
Chỉ trong vòng 4 năm, Vòng Thanh Cường đã đưa Boomerang trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp các công cụ xử lý tiền khủng hoảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư