Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Vì sao doanh nghiệp Đà Nẵng chậm lớn?
Thu Hồng - 28/07/2016 16:21
 
Liên tục dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng quy mô của doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn chưa lớn để có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển. Vì sao vậy?

Theo UBND TP. Đà Nẵng, đến hết năm 2015, trên địa bàn Thành phố có 14.585 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 79.709 tỷ đồng. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tới 99,5% doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, những doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỷ đồng chỉ chiếm 5,92%.

Giải thích lý do Đà Nẵng chưa có doanh nghiệp lớn, ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ cho rằng: Người Đà Nẵng cũng như các doanh nghiệp tại đây có lối sống khép kín, vẫn còn tâm lý ái ngại khi hợp tác với nhau. Chính điều này đã hạn chế sự tiếp xúc của doanh nghiệp Đà Nẵng với các doanh nghiệp lớn ở trong nước cũng như nước ngoài, nên không tạo được làn sóng về cạnh tranh.

.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thạch Bàn Miền Trung thì nhìn nhận: “Đà Nẵng còn thiếu những điều kiện thuận lợi so với hai đầu Hà Nội và TP.HCM về thị trường, về nhu cầu tiêu dùng… nên bản thân doanh nghiệp tại Đà Nẵng hiện nay vẫn còn tư duy an phận, chọn việc phát triển ở mức độ quy mô vừa, “làm đủ ăn” là tiêu chí hoạt động”.

Còn theo ông Trương Hào, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, thì doanh nghiệp ở Đà Nẵng chưa đủ mạnh là do nền tảng chưa bền vững. Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng có quy mô và được đánh giá cao như Dinco, Đăng Hải, DRC (Cao su Đà Nẵng) hay Danapha chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành, song hiệu quả triển khai các chính sách còn hạn chế do thiếu ngân sách; một số chính sách chậm được chỉnh sửa, chậm đổi mới cách tiếp cận doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong nắm tình hình, theo dõi, quản lý hoạt động, kiểm tra, giải quyết khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế”, ông Hào nói.

Còn nhớ, trong một cuộc họp HĐND TP. Đà Nẵng mới đây, ông Mai Đức Lộc, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, mặc dù Đà Nẵng liên tục dẫn đầu chỉ số PCI cả nước, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đà Nẵng có vốn thực hiện chỉ đạt dưới 1,6 tỷ USD. Dự án FDI có vốn đầu tư trên 100 triệu USD rất ít. Vì vậy, Đà Nẵng cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng nguồn thu ngân sách một cách bền vững. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp trên địa bàn cũng phải nỗ lực để lớn.

Theo ông Trương Hào, vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, “buôn có bạn, bán có phường”, nhưng hiện nay vai trò của các hiệp hội trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả, chưa hấp dẫn doanh nghiệp tham gia.

“Nếu các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng và rộng ra là trên cả khu vực miền Trung liên kết với nhau để chia sẻ về mô hình kinh doanh thành công và thúc đẩy hợp tác, thì chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ hoạt động hiệu quả, vững bền hơn trong thời gian tới”, ông Hào nói.

Ông Phan Hải thì nhận định, trước hết phải thay đổi tư duy của các doanh nghiệp, các sản phẩm làm ra nên nghĩ đến việc tiêu thụ ở thị trường rộng hơn, chứ không chỉ quanh quẩn ở thị trường miền Trung. “Cần thay đổi văn hóa của người miền Trung để mở rộng cánh cửa đón nhận sự hợp tác. Đồng thời, doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng của các hiệp hội để tham gia, thấy được tầm quan trọng của việc liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”, ông Hải nêu quan điểm.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp thì chính quyền TP. Đà Nẵng phải triển khai thực hiện đúng, sáng tạo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ thì doanh nghiệp có thể phát triển. Đây chính là “cứu cánh” trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, các bộ, ban, ngành trung ương và chính quyền địa phương khi triển khai Nghị quyết 35 cần phải thay đổi tư duy, đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý, mà là đối tượng phục vụ.

“Chính quyền phải hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đang hoạt động có thể tăng quy mô cũng như có thể phát triển mạnh thêm. Cùng với đó, phải tạo ra môi trường thuận lợi để hướng các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp. Kêu gọi các doanh nghiệp lớn chung tay với chính quyền hỗ trợ các ý tưởng dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ, để từ đó ý tưởng được trở thành hiện thực và nâng tầm lên thành những doanh nghiệp”, ông Sơn góp ý.

"Cấp thiết sửa các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh"
Ngày 26/7, tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật và pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư