Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Vì sao tạm dừng thí điểm tự chủ toàn diện 2 bệnh viện trung ương
Mộc An - 11/07/2021 08:28
 
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy - hai trong số 4 bệnh viện đang triển khai thí điểm tự chủ toàn diện - vừa được Bộ Tài chính yêu cầu tạm dừng thực hiện.
.
Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) 

Khó khăn phát sinh

Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về việc thí điểm tự chủ toàn diện 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế là: Bạch Mai,  K, Hữu nghị Việt Đức và Chợ Rẫy. Theo đó, khi thí điểm, các bệnh viện này được quyết định giá dịch vụ y tế và dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật về giá.

Điều đáng nói là, chỉ còn ít tháng nữa là kết thúc giai đoạn thí điểm, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để các bệnh viện tham khảo.

Nghị quyết số 33/NQ-CP cũng quy định, các bệnh viện được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Cụ thể, các bệnh viện được quyết định quy mô, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn. Ngoài ra, khi tự chủ, các bệnh viện sẽ thực hiện mô hình như doanh nghiệp, có hội đồng quản lý gồm 7 đến 11 người. Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm với giám đốc, có quyền thuê giám đốc.

Tuy vậy, trên thực tế, vị trí chủ tịch hội đồng quản lý, ban giám đốc của các bệnh viện hiện đều do Bộ Y tế bổ nhiệm. Pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền trên của bệnh viện khi tự chủ.

Mặt khác, theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, khi bắt đầu triển khai, giám đốc bệnh viện đương nhiệm sẽ kiêm chủ tịch hội đồng quản lý. Sau đó, Bộ Y tế bổ nhiệm chủ tịch theo đề xuất của hội đồng quản lý.

Các chuyên gia y tế cho rằng, điều này là chưa hợp lý, bởi một người vốn là bí thư kiêm giám đốc bệnh viện (hoặc hiệu trưởng trường đại học y dược) đang điều hành thành thục bệnh viện (hoặc trường) sẽ được phân công giữ chức chủ tịch hội đồng quản lý, chủ yếu điều hành họp hội đồng, ban hành nghị quyết. Thêm vào đó, chủ tịch hội đồng quản lý không có quyền bổ nhiệm giám đốc bệnh viện, thì liệu có đủ quyền uy để chỉ đạo giám đốc?

Tạm dừng là phù hợp?

Trước khó khăn mà 2 bệnh viện tự chủ gặp phải, cộng thêm thời điểm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện cũng cần xem xét (bởi các bệnh viện đang dồn lực chống dịch Covid-19), nên theo một số chuyên gia, cần thận trọng khi tiếp tục triển khai.

Chưa kể, ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xuất phát từ các nguyên nhân trên, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ đối với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo Nghị quyết số 33/NQ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất, việc xây dựng và thực hiện phương án tự chủ tài chính của 2 bệnh viện nêu trên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Hình thức tự chủ quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và tự chủ toàn diện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP được đánh giá gần giống nhau, chỉ khác ở chỗ có được tự chủ chi đầu tư hay không. Tuy nhiên, về chi đầu tư, vấn đề cơ bản là quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ, bao gồm cả khấu hao thiết bị, tài sản và vấn đề này đang trong lộ trình hoàn thiện.

JICA hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy thiết bị xét nghiệm, điều trị COVID - 19
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA vừa bàn giao cho Bệnh viện Chợ Rẫy – Tp.HCM lô thiết bị y tế gồm máy ECMO và bộ xét nghiệm chuẩn đoán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư