Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vì sao Tập đoàn Lộc Trời điều chỉnh giảm lợi nhuận?
Khắc Lâm - 02/05/2022 08:27
 
Việc giá lương thực thế giới liên tục tăng, tạo thuận lợi cho mảng kinh doanh lương thực của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Tuy nhiên, Lộc Trời vẫn điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lợi nhuận sau thuế quý I/2022 đạt hơn 184 tỷ đồng

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, giảm 4,4% so với thực hiện năm 2021.

Lý giải việc điều chỉnh giảm, lãnh đạo Lộc Trời cho biết, đây không phải là kế hoạch kinh doanh đi lùi, mà là kế hoạch cam kết tối thiểu với cổ đông và Công ty luôn nỗ lực vượt kế hoạch. Khi lợi nhuận thực hiện được cao hơn 400 tỷ đồng, Công ty sẽ trích quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng cho nhân viên, khi nào quỹ này được trích đủ (360 tỷ đồng), thì lợi nhuận sẽ được tăng thêm. Hai quỹ này thuộc tài sản của Công ty.

Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2021 với doanh thu thuần 10.244,1 tỷ đồng, tăng 36,2% so với năm 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế đạt 418,3 tỷ đồng, tăng 13,45% so với năm 2020.

Động lực tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ mảng kinh doanh lương thực, thu về 4.073,3 tỷ đồng doanh thu, tăng 92% so với năm 2020 và đóng góp gần 40% cơ cấu doanh thu của Công ty. Trong đó, doanh thu tiêu thụ trong nước tăng gần gấp đôi, lên 3.000 tỷ đồng và doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm trước. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh này tiếp tục ở mức thấp, chỉ 1,8%, khiến lợi nhuận gộp thu về chỉ đạt 74,8 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020, đóng góp 3,8% vào lợi nhuận gộp của Công ty.

Mảng thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục giữ vị thế lớn nhất trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp của Công ty, với tỷ lệ lần lượt là 48,2% và 80,5%. Trong năm vừa qua, mảng kinh doanh này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 12,9% về doanh thu, đạt 4.931,7 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt 1.579 tỷ đồng, tăng 15,8%. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 32%, cao hơn mức 31,2% của năm 2020.

Mảng hạt giống cây trồng, xây dựng và hoạt động khác cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong năm vừa qua, nhưng tỷ trọng đóng góp vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận vẫn ở mức thấp.

Kết thúc quý I/2022, Báo cáo tài chính của Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Công ty đã đạt 2.345 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng giảm 6,7%, xuống 552,7 tỷ đồng. Tuy vậy, nhờ phần chiết khấu thanh toán được tiết giảm, nên lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì mức tương đương cùng kỳ năm trước, với 184 tỷ đồng.

Cấu trúc vốn của Tập đoàn tiếp tục gia tăng, phụ thuộc vào vốn vay, chủ yếu là vay nợ ngắn hạn bổ sung vốn lưu động. Tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ vay của Công ty đạt 4.164,9 tỷ đồng, tăng thêm 540 tỷ đồng so với đầu năm. Trước đó, nợ vay của Công ty đã tăng 76% trong năm 2021. Trong cơ cấu nợ vay, nợ ngắn hạn chiếm chủ yếu, với 4.110,5 tỷ đồng. Nợ vay tăng khiến chi phí lãi vay trong năm của Lộc Trời tăng 19,8% trong quý đầu năm nay lên 38,1 tỷ đồng. Nợ vay hiện chiếm 49% cơ cấu nguồn vốn của Công ty, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đạt 1,29 lần.

Kỳ vọng từ xu hướng tăng giá nông sản

Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và xuất khẩu gạo. Công ty là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam.

Trong các mảng kinh doanh, lương thực có biên lợi nhuận không cao, cần vốn lưu động lớn, nhưng được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong mô hình kinh doanh của Công ty, phục vụ các mảng thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.

Trong bối cảnh giá hàng loạt loại lương thực trên thế giới liên tục gia tăng từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung và Tập đoàn Lộc Trời nói riêng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi.

Những năm qua, mảng lương thực của Tập đoàn Lộc Trời cũng từng bước được thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm gạo bình dân để tập trung vào các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này được kỳ vọng sẽ từng bước cải thiện biên lợi nhuận cho mảng kinh doanh lương thực của Lộc Trời.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh năm nay của Công ty cũng có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi kết thúc hợp đồng phân phối độc quyền với Syngenta - một thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực hóa chất bảo vệ thực vật.

Tập đoàn Lộc Trời: Chờ hiệu quả từ quá trình tái cấu trúc
Việc cấu trúc ngành kinh doanh, tập trung vào các sản phẩm gạo thương hiệu và ứng dụng công nghệ hướng đến trở thành đơn vị cung ứng dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư