Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 06 năm 2024,
Vì sao xuất khẩu gạo Việt sang Trung Quốc giảm mạnh?
Gia Hân - 19/06/2024 16:00
 
5 tháng đầu năm 2024, trái ngược với đà tăng cao ở các thị trường Đông Nam Á, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh khi chỉ đạt 203.000 tấn, giảm 67,8% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh.

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, hết tháng 5 cả nước xuất khẩu đạt 4,03 triệu tấn, tăng 11,2% và tổng kim ngạch đạt 2,56 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ASEAN và Trung Quốc là 2 thị trường nhập khẩu chính gạo Việt Nam.

Về thị trường Đông Nam Á, Việt Nam đã xuất khẩu với sản lượng 2,96 triệu tấn, chiếm 73% tổng lượng gạo của cả nước và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Philippines đạt 1,83 triệu tấn, tăng 19,6%; Indonesia đạt 677 nghìn tấn, tăng 83,4%; Malaysia đạt 338 nghìn tấn, tăng 82,5%. Còn với Trung Quốc, 5 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu 203.000 tấn gạo từ Việt Nam, giảm mạnh 67,8% so với cùng kỳ. 

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Tập đoàn Vrice chia sẻ, phía Trung Quốc vẫn có nhu cầu mua gạo từ Việt Nam tuy nhiên giá trả thấp hơn nhiều bên. Và dĩ nhiên doanh nghiệp này chọn ký hợp đồng với các nước trả giá cao hơn. 

"Tôi vừa có chuyến công tác sang Indonesia và một vài nước trong khu vực. Giá họ trả cao hơn Trung Quốc. Chưa kể Trung Quốc cũng siết chặt hạn ngạch nhập khẩu, giới hạn doanh nghiệp được xuất chính ngạch vào nước này. Lúc trước khi Ấn Độ chưa cấm xuất khẩu gạo thì Trung Quốc nhập phần lớn từ Ấn Độ", ông Có chia sẻ.

Còn theo đại diện một doanh nghiệp khác tại Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, doanh nghiệp có mặt tại thị trường Trung Quốc phải cạnh tranh khốc liệt không chỉ về câu chuyện chất lượng cao mà nước này hiện rất quan tâm về mẫu mã bao bì, khâu nhãn mác.

Các chuyên gia đầu ngành nhận định, Trung Quốc có chính sách dự trữ gạo quốc gia khá tốt. Do đó, thương nhân ngành gạo ở quốc gia này chủ yếu mua vào khi giá gạo thế giới xuống thấp. Chưa kể, hiện nay giá các loại gạo nếp, gạo tẻ xuất khẩu của Việt Nam đều cao hơn so với giá các mặt hàng gạo cùng loại của Trung Quốc. Vì thế, mặc dù số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này được tăng thêm nhưng sẽ khó tỷ lệ thuận với việc kim ngạch xuất khẩu gạo vào Trung Quốc tăng lên tương ứng.

Được biết, mỗi năm Chính phủ Trung Quốc cấp quota nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo, nhưng không phân bổ hạn ngạch cụ thể cho từng thị trường mà các thương nhân sẽ là người quyết định và giá gạo của nước xuất khẩu sẽ là yếu tố để họ quyết định mua của nước nào và số lượng bao nhiêu.

Phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng, một số khó khăn khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm đó là việc hàng năm Trung Quốc ban hành hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo. Đặc biệt trong nhiều năm nay, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm mức dưới 4% tổng sản lượng sản xuất gạo trong nước.

Trong đó, một số loại gạo chất lượng cao được Trung Quốc bổ sung vào tiêu thụ ở phân khúc gạo cao cấp. Một số loại gạo phổ thông dùng để phối trộn với các loại gạo của sở tại hoặc được chế biến, đóng gói theo thương hiệu của doanh nghiệp Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc hạn chế số lượng doanh nghiệp gạo được phép xuất khẩu sang nước này. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp gạo Việt Nam đã được cấp phép.

“Con dao hai lưỡi” khi Philippines cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu gạo
Động thái cắt giảm thuế nhập khẩu gạo được kỳ vọng sẽ giúp Philippines kiềm chế lạm phát, nhưng có thể làm tổn thương người nông dân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư