Thứ Tư, Ngày 16 tháng 04 năm 2025,
VICEM Bút Sơn đặt mục tiêu có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ
Tùng Linh - 15/04/2025 08:22
 
Năm 2024, công ty ghi nhận mức lỗ ròng lớn nhất trong hơn mười năm qua (gần 202 tỷ đồng). Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Vicem Bút Sơn không chi trả cổ tức do thua lỗ.

Theo tài liệu gửi đến cổ đông trước thềm cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức ngày 25/4, CTCP Xi măng VICEM Bút Sơn đặt kế hoạch kinh doanh 2025 với lợi nhuận sau thuế hơn 29 tỷ đồng.

Con số lợi nhuận trên khả quan hơn nhiều mức thua lỗ các năm qua. Năm 2024, công ty ghi nhận mức lỗ ròng lớn nhất trong hơn mười năm qua (gần 202 tỷ đồng). Với kết quả trên, công ty đang trình cổ đông kế hoạch cổ tức 0%. Trước đó, vào năm 2023, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng và cũng không chi trả cổ tức cho cổ đông. Tổng doanh thu mục tiêu là 2.794 tỷ đồng, tăng so với mức thực hiện 2.669 tỷ đồng đạt được năm trước. Công ty đặt mục tiêu sản xuất clinker hơn 2,5 triệu tấn, nhưng tiêu thụ chỉ 300 ngàn tấn và phấn đấu tiêu thụ hết hơn 3 triệu tấn xi măng dự kiến sản xuất trong năm nay.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Vicem Bút Sơn

Dù vậy, lãnh đạo công ty vẫn đánh giá thị trường xi măng tiếp tục tình trạng nguồn cung tiếp tục tăng và ngày càng vượt xa so với nhu cầu. Theo đó, nguồn cung xi măng trong nước năm 2025 dư báo tiếp tục tăng lên khoảng 124,78 triệu tấn. Nguyên nhân do một số dây chuyền đưa vào hoạt động từ cuối năm 2024, bao gồm Dây chuyền 5 của xi măng Thành Thắng công suất 2,3 triệu tấn, xi măng Vissai Đại Dương 2 công suất 2,3 triệu tấn, xi măng Xuân Sơn 2,3 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu xi măng trong nước dự kiến khoảng 62,5 - 63,5 triệu tấn. Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao, các công ty cạnh tranh gay gắt về giá bán để duy trì thị phần và gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Đối với thị trường xuất khẩu, lãnh đạo công ty dự báo thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam năm 2025 còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là  khi một số quốc gia gia tăng rào cản thương mại tại một số quốc gia và khu vực. Điển hình là Đài Loan điều tra chống bán phá giá đối với xi măng xuất khẩu từ Việt Nam, Philppines ngoài việc áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng Việt Nam, đã và đang xem xét áp thuế tự vệ để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, xi măng Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn cung dư thừa từ: Indonesia, Thái Lan... với giá bán và chi phí vận chuyển thấp.

Về kế hoạch đầu tư, Xi măng Vicem Bút Sơn dự chi đầu tư xây dựng gần 514 tỷ đồng trong năm 2025, phần lớn vào các dự án chuẩn bị đầu tư như dự án các mỏ sét Lạc Thủy Hòa Bình gần 230 tỷ đồng. Công ty cũng sẽ cải tạo nâng công suất hệ thống nghiền xi măng dây chuyền 2 với giá trị đầu tư 170 tỷ đồng.

Ngành xi măng phải chuyển đổi kép để tồn tại và phát triển bền vững
100% xi măng của Fico-YTL đều đạt phát thải carbon thấp và được chứng nhận nhãn xanh của Singapore - SGBP là một khác biệt lớn trên thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư