Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Viễn cảnh thiếu nguyên liệu chế biến
Hồng Phúc - 14/08/2021 08:28
 
Bên cạnh việc tắc nghẽn trong thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển…, các doanh nghiệp đang nhắc đến viễn cảnh thiếu nguyên liệu chế biến trước tâm lý không muốn tiếp tục vụ mới của nông dân.
.
Thanh tong đang gặp khó khăn trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.

Tắc khâu thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh này hiện còn khoảng 1 triệu con gà (tương đương 2.500 tấn) không tiêu thụ được. Cùng với đó, giá bán giảm xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg đối với gà lông trắng. “Một con gà 3 kg chỉ bán được khoảng 20.000 đồng. Với mỗi ký gà, nông dân đang lỗ khoảng 20.000 đồng”, ông Xuân nói và cho biết, các hộ nuôi đều đang có tâm lý chần chừ và không muốn tiếp tục chăn nuôi.

Còn tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quá trình thực hiện “3 tại chỗ” với chi phí gia tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp chọn cách dừng hoạt động. Trong khi đó, các mặt hàng gạo, thanh long, chanh… đều đang gặp khó khăn trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Tính riêng mặt hàng thanh long, tỉnh này ước tính có khoảng 15.000 tấn đến thời điểm thu hoạch trong tháng 8.

Là doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, việc tăng sản lượng trái cây xuất khẩu của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động thu hoạch, cũng như quá trình vận chuyển chưa thông suốt.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp này thường tổ chức cho người lao động thu hoạch trái cây từ 3 giờ sáng để kịp 6 giờ sáng đưa vào nhà máy sơ chế. Song hiện người lao động chỉ được di chuyển đến vùng thu hoạch từ 6 giờ và khoảng 9 giờ, trái cây mới được đưa vào nhà máy khi nắng đã lên và tình trạng hư hao dễ xảy ra. Công suất hoạt động tại các nhà máy của doanh nghiệp này hiện chỉ đạt 30% so với bình thường.

“Đặc biệt, chúng tôi đang lo ngại vấn đề thiếu container vận chuyển vì một số hãng tàu đã thông báo ngưng nhận hàng đông lạnh, chỉ ưu tiên cho hàng khô”, ông Tùng chia sẻ và lo ngại tình trạng thiếu hụt nguyên liệu có thể xảy ra trong tương lai, bởi người dân không còn tha thiết việc chăm sóc cây trái và bỏ ý định trồng đợt mới.

Tiêu thụ nội địa là quan trọng nhất

Theo số liệu của Bộ Công thương tổng hợp từ 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số địa phương phía Bắc, lượng hàng hoá đang cần được tiêu thụ rất lớn, ước tính giá trị lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Cụ thể, hiện có hơn 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ quả, hơn 4 triệu tấn trái cây các loại, 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn cà phê, 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng rất cần được tiêu thụ.

Tại các địa phương, đang xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng người lao động từ khâu thu hoạch đến vận chuyển, bảo quản. Thêm vào đó, quá trình vận chuyển các loại hàng hóa trong một địa phương hoặc giữa các địa phương cũng có nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy định rất cụ thể, nhưng việc áp dụng tại nhiều địa phương không giống nhau. “Đối với các mặt hàng nông, thủy sản, chỉ cần chậm vận chuyển 1-2 tiếng, thì chất lượng đã bị biến đổi rất nhiều và chi phí tăng cao”, ông Diên nói.

Về vấn đề này, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp cùng Phát triển nông thôn đã thảo luận và đưa ra 5 giải pháp.

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xác định tiêu thụ nội địa là quan trọng nhất trong lúc này, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cho định hướng sản xuất. Các cơ quan chức năng sẽ được huy động để kết hợp với chính quyền địa phương làm tốt việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa bằng cả các kênh truyền thống và hiện đại.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam nói chung và nông sản, thủy sản của Việt Nam nói riêng. Qua đó, từng bước nâng cao uy tín của sản xuất trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước có thể sản xuất được.

Thứ ba, khuyến khích phát triển ngành chế biến để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao và các thương hiệu mạnh với nguyên liệu đầu vào là các sản phẩm trong nước.

Thứ tư, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ tại các kênh truyền thống như chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh, trong thời gian giãn cách, các đơn vị cần chú trọng phát triển các kênh phân phối hiện đại như sàn thương mại điện tử.

Thứ năm, ngoài cung ứng nội địa, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu đến các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đẩy mạnh phát triển các thị trường mới như Đông Á, Nam Á… đang có dư địa phát triển lớn.

Cần mô hình mới thay thế “3 tại chỗ”
Sau quá trình duy trì “3 tại chỗ” với hàng loạt chi phí gia tăng, nhiều doanh nghiệp đang lo khả năng đổ vỡ. Cần có mô hình mới hoặc thay đổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư