Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Việt Nam - địa chỉ cung ứng hàng hóa khó thay thế
Thế Hoàng - 03/07/2022 10:05
 
Việt Nam tiếp tục được “gọi tên” trong danh sách trung tâm sản xuất lớn trên toàn cầu, với kết quả xuất khẩu 6 tháng đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu hơn 700 triệu USD.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine đẩy giá nguyên - nhiên liệu đầu vào tăng cao chưa từng thấy, sự khó khăn của vận tải hàng hóa quốc tế… có vẻ không làm khó cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu hàng hóa 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 710 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 1,86 tỷ USD). Đặc biệt, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các ngành hàng xuất khẩu lớn ghi nhận tăng trưởng tích cực, bất chấp một số thời điểm bị khan hiếm nguyên liệu đầu vào. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã cung ứng 22,3 tỷ USD hàng dệt may, xơ sợi ra toàn cầu, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu 13,44 tỷ USD, xuất siêu 8,8 6 tỷ USD.

Nhóm hàng điện thoại, linh kiện duy trì phong độ với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 28,6 tỷ USD, tăng 14,1%; máy tính, linh kiện đạt 27,064 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị và phụ tùng khác tăng 24,3%, đạt 21,3 tỷ USD; giày dép đạt gần 12 tỷ USD, tăng 14,4%.

Nhóm hàng nông nghiệp cũng mang về gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 5,57 tỷ USD...

Những con số này cho thấy, Việt Nam đã trở thành địa chỉ cung ứng hàng hóa quy mô và khó thay thế trên thị trường toàn cầu.

Báo cáo với tiêu đề “Bùng nổ FDI vào ASEAN” vừa được HSBC công bố cũng nhấn mạnh, mặc dù dịch bệnh, FDI vẫn tiếp tục đổ vào các thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và Việt Nam là một trong 2 thị trường nhận nhiều FDI nhất.

Theo HSBC, Việt Nam đã chuyển mình, trở thành “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, như dệt may, giày dép, hàng điện tử.

Trước đó, nhận định về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhấn mạnh, trong năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ

Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam đạt 336 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với năm 2020 và mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là tăng trưởng ở mức 8%.

Để có thể về đích với kế hoạch đề ra, lúc này, doanh nghiệp đang rất cần chính sách hỗ trợ gấp để tạo đà cho sản xuất từ dòng vốn ưu đãi, từ đó có nguồn lực đầu tư nguyên phụ liệu tích trữ, bởi giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu vẫn tiếp tục đà tăng mạnh do đại dịch và xung đột Nga - Ukraine.

Đối với dệt may, ở kịch bản cao, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 43 - 43,5 tỷ USD trong năm 2022. Nhưng 6 tháng đầu năm, giá bông tăng 19%, lạm phát tại một số quốc gia tăng cao, dẫn đến sụt giảm tiêu dùng ở các thị trường lớn, nên khả năng khai thác thị trường của các doanh nghiệp dệt may ở chặng đường nửa cuối năm cũng chịu tác động.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG chia sẻ, đơn hàng xuất khẩu nhiều, nhưng giá lại không tốt như mọi năm do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính bắt đầu thắt chặt chi tiêu vì lo ngại lạm phát; cùng với đó, chi phí vận tải, lương cho người lao động đều tăng..., nên TNG phải tính toán, co kéo để giảm tối đa sự ảnh hưởng tới sản xuất.

Ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 23 - 25 tỷ USD trong năm 2022. Qua nửa đầu năm, xuất khẩu giày dép tăng hơn 14,4%, nhưng túi xách lại bị tồn kho lớn (trên 40%) và đang chịu rủi ro từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu; thị trường Mỹ và Trung Quốc đều có khả năng giảm nhập khẩu…

Bên cạnh đó, các ngành nhựa, xi măng - clinker… dự báo cũng tiếp tục giảm xuất khẩu.

Để giảm bớt khó khăn do “bão giá” nguyên, nhiên liệu đầu vào, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong các ngành hàng dệt may, da giày, điện tử, du lịch… đồng loạt kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics. Bởi giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến giá nhiều loại hàng hóa nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của doanh nghiệp.

Các ngành hàng xuất khẩu tỷ USD giữ vững phong độ
Nhờ nâng cao khả năng thích ứng trước những tác động bất lợi của thị trường, nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vẫn có mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư