Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá
Thùy Vinh - 16/05/2019 10:38
 
Sau một tuần tăng mạnh, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt giảm trong ngày đầu tuần này. Theo nhận định của giới phân tích tài chính, Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá.
.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng ấn tượng. Vì thế, tỷ giá năm nay chỉ biến động ở mức khoảng 2%.

Tác động bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Ngày 13/5, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đứng ở mức 23.047 VND/USD, giảm 10 đồng so với cuối tuần trước. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 1 tuần liên tục đi lên của tỷ giá trung tâm. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho ngày 13/5 là 22.356 - 23.738 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN là 23.200 VND/USD chiều mua vào và 23.688 VND/USD chiều bán.

Cùng chiều với tỷ giá trung tâm, giá mua bán USD ở các ngân hàng thương mại ngày 13/5 cũng đồng loạt giảm tới 20 - 50 VND/USD. Tại nhiều ngân hàng, tỷ giá USD đã quay về mặt bằng cách đây một tuần, tức trước khi tăng mạnh.

Cụ thể, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đầu giờ sáng là 23.235 - 23.355 VND/USD, giảm 25 đồng ở cả 2 chiều mua - bán. BIDV giảm 10 đồng, về mức 23.240 VND/USD chiều mua và 23.360 VND/USD chiều bán. Techcombank, ACB và Eximbank giảm mạnh hơn, với giá USD chiều bán ra giảm về mức 23.330 VND/USD, giá mua vào là 23.230 - 23.240 VND/USD…

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, diễn biến tỷ giá đột ngột tăng gần đây xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sau khi Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Trong tuần vừa rồi, nhân dân tệ (CNY) đã mất giá hơn 1%, nhiều đồng tiền khác cũng biến động. Theo giới phân tích, khi thị trường bất ổn, mọi người sẽ tìm đến các kênh trú ẩn và USD vẫn là kênh trú ẩn mà mọi người cảm thấy an tâm hơn.

Các chuyên gia phân tích của SSI Retail Research cho rằng, nếu không có việc Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vừa qua thì nhiều khả năng tỷ giá sẽ ổn định, vì diễn biến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng là ngắn hạn, chênh lệch lãi suất VND-USD sẽ khôi phục về mức 1 - 1,5%. Dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể, củng cố nguồn lực để NHNN bình ổn thị trường nếu có biến động mạnh…

Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, vấn đề kiểm soát tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là diễn biến của CNY. Chỉ tính trong vòng 4 ngày (từ 6/5 - 9/5), CNY đã mất giá 1,3%.

Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá

Khác với năm ngoái, các thành viên thị trường và phía Trung Quốc đều đã có sự chuẩn bị từ trước. Tỷ giá USD/CNY dù đã tăng lên 6,82 CNY/USD, nhưng vẫn còn thấp hơn mức đỉnh của năm 2018 là 6,97 CNY/USD. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ can thiệp để giữ giá CNY, như đã làm trong năm 2018.

Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, vấn đề kiểm soát tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố bên ngoài.

Theo nhận định của SSI Retail Research, sự mất giá của CNY ảnh hưởng đến VND phần nhiều là ở khía cạnh tâm lý, nên Việt Nam còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá. Vì vậy, tỷ giá VND/USD nếu có biến động thì cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong một báo cáo mới phát hành, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MBS cho biết, VND vẫn là đồng tiền ổn định và ít biến động nhất khu vực từ đầu năm 2019 đến nay. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và sự thận trọng trong điều tiết thị trường tiền tệ của NHNN, dù kỳ vọng lạm phát có thể tăng cao hơn trong các tháng tới, gây áp lực lên tỷ giá, thì tỷ giá USD trong năm 2019 sẽ chỉ tăng dưới mức 2,5%.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, thách thức đối với NHNN trong năm nay là khá lớn và không thể né tránh. Áp lực tỷ giá đang có vẻ tăng lên từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, lạm phát và biến động địa chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần nhìn những điểm tích cực như dòng vốn chuyển dịch vào Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng ấn tượng. Vì thế, tỷ giá năm nay chỉ biến động ở mức khoảng 2%.

Áp lực lên tỷ giá năm 2019 sẽ giảm
Sức ép lên VND trong năm 2019 được dự báo là không quá lớn nhờ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước được củng cố và duy trì ở mức khá,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư