Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Canada
Bích Ngọc - 05/04/2024 08:06
 
Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada, bà Mary Ng cho biết, bà cảm nhận được nguồn năng lượng tuyệt vời từ các doanh nghiệp trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Việt Nam.
 Bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada.

Bà có thể cho biết ý nghĩa chuyến thăm và làm việc lần này của bà và đoàn doanh nghiệp Canada tại Việt Nam?

Phái đoàn thương mại của Canada sang Việt Nam có khoảng 300 người, đến từ 168 doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng của Canada như nông nghiệp, thực phẩm chế biến, công nghệ xanh, sạch, thông tin và truyền thông, kỹ thuật số, hạ tầng.

Các doanh nghiệp Canada sang Việt Nam vì họ nhận thấy tầm quan trọng của thị trường Việt Nam và tiềm năng phát triển ở quốc gia này. Chúng tôi cảm nhận được nguồn năng lượng và cơ hội tuyệt vời trong mối quan hệ hợp tác giao thương giữa hai nước và tiếp tục kỳ vọng vào việc tăng cường thêm quan hệ đầu tư Việt Nam - Canada trong thời gian tới.

Bà đánh giá ra sao mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada trong 5 năm qua?

Chúng ta đã thấy các số liệu thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) được ký kết. Hiện Canada là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khu vực châu Mỹ, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN.

Mối quan hệ hợp tác giữa Canada và Việt Nam thành công như ngày nay là do một số yếu tố cơ bản như cả hai nước đều là thành viên của CPTTP, 30 năm thiết lập văn phòng thương mại và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thương mại song phương giữa hai nước vào năm 2023 là 14 tỷ USD, tăng lên đáng kể từ khi Việt Nam và Canada gia nhập CPTTP.

Những lĩnh vực nào là trọng tâm trong quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước?

Chúng tôi tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực có sự tương đồng và cộng hưởng giữa Canada và Việt Nam. Nổi bật trong đó là đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi đã đến thăm Công ty Điện lực TP.HCM, nơi đang có một công ty của Canada cung cấp giải pháp sử dụng điện hiệu quả.

Tôi cũng đến thăm một công ty khác được lãnh đạo bởi một phụ nữ. Công ty này ký kết hợp đồng với Chính phủ Việt Nam để xử lý chất thải ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây cũng là lĩnh vực chúng ta có thể hợp tác. Ngoài ra là các lĩnh vực tiềm năng khác như công nghệ và năng lượng xanh, sạch. Đây đều là các chủ đề chính được chúng tôi bàn bạc trong chuyến thăm lần này. Các doanh nghiệp Canada cũng chia sẻ kinh nghiệm chuyển tiếp sang một nền kinh tế xanh và năng lượng xanh.

Làm sao để Canada và Việt Nam có thể hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh, thưa bà?

Ở Canada, chúng tôi có một câu nói là: “Môi trường và kinh tế phải song song với nhau”. Chúng ta cần phải chia sẻ thực tiễn, bài học kinh nghiệm giữa hai nước về vấn đề này. Ngay trong chuyến thăm và làm việc lần này tại Việt Nam, chúng ta đã có cơ chế rất hay, đó là Hội thảo chia sẻ thông tin giữa hải quan Việt Nam và Canada. Đây là một phương thức thực tế để chúng ta trao đổi kinh nghiệm, vượt qua những khác biệt, trở ngại để thông thương hàng hóa giữa hai quốc gia.

Tôi cũng muốn đề cập lĩnh vực dầu khí. Tôi vừa chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa PetroVietnam với 4 công ty dầu khí của Canada có chuyên môn sâu rộng trong việc thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon. Đây là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế xanh. Ngoài ra, chúng ta có thể hợp tác trong đối phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.

Canada - cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, tăng thị phần
Canada hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng và còn là thị trường cửa ngõ để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Bên cạnh những thuận lợi,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư