Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam là một trong hai thị trường quản lý tài sản phát triển nhất khu vực
Kỳ Thành - Chí Cường - 06/06/2024 14:33
 
Tài sản tài chính cá nhân được quản lý tại Việt Nam trong năm 2022 đạt 45 - 52 tỷ USD, doanh thu từ quản lý tài sản đạt 500 triệu USD, khiến vai trò của các nhà cố vấn tài chính chuyên nghiệp ngày càng rõ nét.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Chí Cường

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” diễn ra chiều nay (6/6), do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, chúng ta đang chứng kiến vai trò ngày càng rõ nét của các nhà cố vấn chuyên nghiệp, uy tín trong lĩnh vực quản lý tài sản.

“Cũng như những hoa tiêu bản lĩnh, những nhà cố vấn đó sẽ là những điểm tựa rất cần thiết và hữu ích, đặc biệt là vào những lúc “sóng to, gió cả” và với những thủy thủ chưa thạo luồng lạch và ít kinh nghiệm ra khơi”, ông Minh nói.

Theo ông Lê Trọng Minh, dịch vụ quản lý tài sản, quản lý gia sản đã phổ biến từ lâu tại các nước phát triển. Theo TechsciResearch, thị trường quản lý tài sản toàn cầu (Wealth Management -  WM) được định giá 1.100 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) là 9,85% cho đến năm 2028. 

Tuy nhiên, sự bất ổn tài chính và tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế lớn đã khiến dòng vốn của thị trường quản lý tài sản đang có sự dịch chuyển dần sang các thị trường mới nổi, trong đó có Đông Nam Á, nơi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp nhà đầu tư giàu có.

“Thái Lan và Việt Nam được nhận định sẽ là hai thị trường quản lý tài sản phát triển nhất khu vực”, ông Minh cho hay.

Báo cáo của McKinsey cho biết, đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm, từ mức PFA cơ bản là khoảng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Về số tài sản tài chính cá nhân được quản lý (Wealth Management) tại Việt Nam trong năm 2022 đạt 45 - 52 tỷ USD, doanh thu từ quản lý tài sản đạt 500 triệu USD.

Theo ông Lê Trọng Minh, dịch vụ quản lý tài sản, quản lý gia sản đã phổ biến từ lâu tại các nước phát triển. Ảnh: Chí Cường

Vì vậy, theo ông Minh, tiếp theo chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” năm 2023, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam năm 2024 với hai phiên thảo luận: “Kịch bản kinh tế vĩ mô”, “Danh mục tài sản đầu tư”, các đại biểu và công chúng quan tâm sẽ tiếp tục có cơ hội được tham vấn những “vị hoa tiêu” đó - những người đồng thời cũng được mệnh danh là những “kiến trúc sư tài chính” về cách ứng biến trong vạn biến để xây dựng, bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản của mình.

Ông Minh mong muốn thông qua hoạt động kết nối tại Diễn đàn, các nhà đầu tư sẽ tìm được cho mình những cố vấn phù hợp nhất, cùng bồi đắp nên một thị trường quản lý gia sản đang phát triển hết sức năng động.

Bên cạnh đó, với mong muốn hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm những cố vấn tài chính bài bản, chuyên nghiệp và có thêm thông tin và tiêu chí để lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ môi giới tài chính, đồng thời góp phần xây dựng một cộng đồng đầu tư minh bạch, bài bản, chuyên nghiệp, tại Diễn đàn năm nay, Ban Tổ chức tiếp tục Vinh danh các tổ chức/doanh nghiệp Vì sự nghiệp phát triển dịch vụ tài chính và Vinh danh Sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2024. Các hạng mục vinh danh sẽ do Hội đồng Bình chọn độc lập chấm và công bố vào phần cuối Diễn đàn. 

Ông Lê Trọng Minh cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024, Ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và ủng hộ của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức chuyên môn. “Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ quý báu đó”, ông nói.

Bà Đậu Thị Kim Nhung, Trưởng phòng Marketing bán lẻ Vietcombank cho hay, cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm, dịch vụ cao cấp dành cho phân khúc khách hàng này ngày càng được chú trọng. Để phục vụ cho nhu cầu của tập khách hàng đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực tài chính, các sản phẩm cần đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ thẩm mỹ đến chất lượng, vừa mang đến cho khách hàng những đặc quyền ấn tượng, vừa đảm bảo sự bảo mật và chỉn chu trong mọi dịch vụ.

Dịch vụ Khách hàng Ưu tiên Vietcombank Priority của Vietcombank được khách hàng đánh giá cao nhờ hệ sinh thái sản phẩm – dịch vụ tài chính chuyên biệt, đáp ứng toàn diện các nhu cầu từ thanh toán, tiết kiệm, tín dụng đến các tiện ích, ưu đãi đẳng cấp hay các nhu cầu đầu tư, bảo hiểm chuyên biệt.

“Trên cơ sở đánh giá tiềm năng của thị trường và nhu cầu của khách hàng, chúng tôi cũng đang hoàn thiện kế hoạch phát triển thương hiệu ngân hàng chuyên biệt dành riêng cho phân khúc khách hàng siêu giàu với các giải pháp quản lý tài chính và phi tài chính, hỗ trợ và tư vấn hoạch định tài sản, đầu tư, tiết kiệm cũng như hỗ trợ các thế hệ tương lai quản lý và bảo toàn gia sản”, bà Nhung cho biết.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực tài chính. Ảnh: Chí Cường

Ông Minh cũng đặc biệt cảm ơn các nhà tài trợ đã hỗ trợ cho công tác tổ chức Diễn đàn năm nay:

Tài trợ Vàng: Công ty cổ phần Chứng khoán VPS; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt; Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam. 

Đồng tài trợ: Công ty TNHH Chứng khoán ACB; Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á; Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank; Công ty cổ phần Chứng khoán SSI; Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công; Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam; Gamuda Land; Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á; Công ty cổ phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam; Công ty cổ phần Chứng khoán Kafi; Công ty cổ phần Đầu tư VAM; Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long.

Đối tác hỗ trợ kỹ thuật: CTCP Đầu tư AFA Capital.

“Ban tổ chức cũng xin trân trọng cảm ơn sự đóng góp tâm huyết của các thành viên Hội đồng bình chọn và sự ủng hộ nhiệt thành của các cơ quan báo chí”, ông Lê Trọng Minh nói.

Cố vấn tài chính tại Việt Nam: Thách thức nào với người trong cuộc?
Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và đa dạng, nghề cố vấn tài chính đem lại không chỉ thu nhập hấp dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư