Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhìn từ quan hệ thương mại Việt - Trung:
Việt Nam lại bỏ mất cơ hội giảm phụ thuộc?
Khánh Linh - 21/04/2015 16:58
 
Thương mại tăng vọt, tới 17,84% giữa Việt Nam và Trung Quốc bất chấp lo ngại sau vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, nhưng đây không phải là tin mừng.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt riêng một câu hỏi về sự bùng nổ thương mại Việt – Trung sau sự vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Ý nghĩa của nó là gì?”, ông nói với các chuyên gia tại phiên 1 về kinh tế 2014 và khuyến nghị chính sách 2015 của Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 đang diễn ra tại Nghệ An.

 

Câu hỏi này có lý do. Sau vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014, đã có dự báo về nguy cơ xấu đi nghiêm trọng trọng của quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ thương mại. Nhiều dự báo tiêu cực, thậm chí gây hệ lụy nghiêm trọng cho kinh tế Việt Nam. Lần đầu tiên, tính chất phụ thuộc cơ cấu kinh tế bộc lộ rõ và được cảnh báo một cách quyết liệt.

Tuy nhiên, kết quả diễn ra ngược lại, với sự tăng vọt về thương mại hai bên trong năm 2014. Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 31,16% so với năm 2013. Nhập siêu của Việt Nam tăng 38,26%.

Nhưng điều này không đáng mừng, dù có sự tăng trưởng trong ngắn hạn, khi nhìn vào cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Việt Nam nhập khẩu hàng trung gian nhiều, chủ yếu là linh kiện lắp ráp, phụ kiện gia công, chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI.

Nhưng số liệu cho thấy, đây lại là các nguyên phụ liệu phục vụ nền công nghiệp đẳng cấp công nghệ thấp. Cả các sản phẩm đầu vào cơ bản cho sản xuất nông nghiệp cũng trong tình trạng tương tự, định hướng sản lượng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ thấp. Trong khi đó, nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc cũng là các sản phẩm hàng hóa trung gian, phục vụ sản xuất xuất khẩu của Trung Quốc. Có thể hiểu là Việt Nam từ chối cơ hội tự mình sản xuất để tăng giá trị gia tăng.

“Việt Nam thoát khỏi khó khăn ngắn hạn nhưng đã bỏ mất cơ hội thay đổi cấu trúc thị trường, tránh nguy cơ lệ thuộc thương mại, tạo điều kiện thay đổi cơ cấu và vị thế phát triển. Nghĩa là bỏ qua cơ hội vươn lên đẳng cấp mới”, ông Thiên nói.

Bình luận bài viết này
  • Minh Việt 20:38 | 21-04-2015
    Chừng nào chưa dịch chuyển kinh tế đến khu vực có ICOR thấp (đầu tư hiệu quả hơn) thì VN chưa nên ký TPP. (Ghi chú: Khu vực ở đây là lĩnh vực, khâu chuỗi giá trị, địa bàn trọng điểm ......đo lường được). Sao không quyết tâm tái cơ cấu, dịch chuyển về phía ICOR thấp?!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư