Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam nhập siêu lớn từ châu Á
Thế Hải - 17/02/2022 20:23
 
Năm 2021, dù thị trường châu Á vẫn tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhưng Việt Nam nhập khẩu từ khu vực này còn tăng mạnh hơn, đưa nhập siêu xấp xỉ 110 tỷ USD.

Xuất nhiều, nhập khẩu cũng lắm

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á năm 2021 tăng trưởng mạnh, đạt 433,4 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2020.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này gần 162 tỷ USD, tăng 15,5% so với năm 2020, chiếm 48,2% xuất khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới.

Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao, góp phần vào sự tăng trưởng tích cực của xuất khẩu Việt Nam.

Số liệu thống kê ghi nhận, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 55,95 tỷ USD, tăng 14,5%; Hàn Quốc 21,95 tỷ USD, tăng 14,9%; Nhật Bản 20,13 tỷ USD, tăng 4,4%; ASEAN đạt 28,7 tỷ USD, tăng 24,8%.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường châu Á năm qua đạt 271,46 tỷ USD, tăng 27,6%, chiếm tỷ trọng 81,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Dù xuất khẩu tăng cao (15,5%), nhưng chiều nhập khẩu còn tăng mạnh hơn (27,6%), nên nhập siêu cả năm 2021 từ khu vực thị trường này vẫn lên tới 110 tỷ USD.

Nếu cán cân thương mại với khu vực thị trường châu Mỹ, châu Âu xuất siêu ở mức cao, thì với châu Á hoàn toàn ngược lại, Việt Nam nhập siêu lớn từ cả 4 thị trường, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc lớn nhất (54 tỷ USD), Hàn Quốc (34,21 tỷ USD), ASEAN (12,36 tỷ USD) và Nhật Bản (2,52 tỷ USD).

Nhập khẩu từ khu vực châu Á góp phần đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong đó các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước 64 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (ước đạt trên 40 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (trên 20 tỷ USD), vải các loại (ước đạt 13,7 tỷ USD), sắt thép các loại (hơn 10 tỷ USD), chất dẻo nguyên liệu (10 tỷ USD)…

Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn máy móc, thiết bị và nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa từ các thị trường này. Riêng nhập máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Trung Quốc 21,86 tỷ USD, tăng 18,5%, Hàn Quốc 20,3 tỷ USD, tăng 18,4%, Đài Loan 9,6 tỷ USD, tăng 25,6%.

Điện thoại các loại và linh kiện nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc gần 20 tỷ USD, chiếm 93% tổng giá trị nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong khi đó, nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da giày cũng góp vào mức nhập siêu lớn. Năm qua, Việt Nam nhập khẩu  từ Trung Quốc đạt 13,65 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 2,56 tỷ USD, ASEAN đạt 1,15 tỷ USD.

Chưa dễ rút ngắn khoảng cách nhập siêu

Năm 2022, thương mại của Việt Nam với các thị trường trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn là trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu khi liên tục xuất hiện những biến thể mới làm gia tăng tình trạng lây lan.

Dù vậy, xuất khẩu nói chung và khu vực châu Á nói riêng được nhận định tiếp tục tăng cao nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đi vào thực thi. Với châu Á, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 nước đối tác Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu gia tăng.

Tuy nhiên, với đặc điểm nhập siêu đã duy trì nhiều năm và nhập siêu lớn tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu gia tăng, Việt Nam đang đứng trước bài toán rút ngắn khoảng cách nhập siêu từ khu vực này.

Với RCEP đã có hiệu lực, tạo thêm thuận lợi thương mại sẽ kích thích hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng. Tuy nhiên, nhập siêu như vậy không dễ giảm ngay được. Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, khu vực RCEP hiện nay là nguồn cung hàng hóa lớn cho Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa tổng thương mại của Việt Nam, trong đó chiều nhập khẩu chiếm hơn 70%, việc mở rộng hơn quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với nước RCEP sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhập siêu tăng lên.

“Chưa kể, khu vực châu Á là thị trường gần, thuận lợi cho vận chuyển, nhất là khi dòng vốn FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư. Đơn cử, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam một lượng vốn khổng lồ trên 74 tỷ USD, kéo theo nhu cầu nhập máy móc thiết bị và nguyên liệu hàng chục tỷ USD/năm, nhiều nhất là linh kiện điện thoại, máy tính, vải…”, bà Trang nói.

Việt Nam nhập siêu gần 800 triệu USD ngay trong tháng đầu năm 2019
Hoạt động xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng, song ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019, nhập siêu đã quay trở lại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư