Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam quyết tâm loại bỏ nhóm chất HCFC, bảo vệ tầng ozone của trái đất
Phương Thu - 03/09/2020 13:19
 
Doanh nghiệp của Việt Nam đang chuyển đổi công nghệ cam kết loại bỏ các chất HCFC để bảo vệ tầng ozone, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Ảnh: Lễ khởi động dự án

Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn I thực hiện từ năm 2012 đến năm 2017 (HPMP I) đã đạt được kết quả tốt và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Một trong những kết quả nổi bật của Dự án giai đoạn I là đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi công nghệ, giúp loại trừ 1.300 tấn HCFC-141b nguyên chất và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol sử dụng trong sản xuất xốp cách nhiệt.

Đại diện doanh nghiệp chuyển đổi cho biết, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ phía Dự án đã giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sản xuất hiện đại, cải tiến phương pháp sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi sang công nghệ không làm suy giảm tầng ozone và thân thiện hơn với môi trường đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường thuộc nhóm các nước phát triển.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018 - 2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự án được triển khai thực hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC.

Theo cam kết với Ban Chấp hành Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, Việt Nam cần ban hành chính sách cấm sản xuất điều hòa không khí gia dụng sử dụng môi chất lạnh HCFC-22 và cấm nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong polyol từ năm 2022. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh và xốp cách nhiệt có đủ điều kiện tham gia Dự án, liên hệ với Ban Quản lý dự án HPMP II, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham gia và nhận hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, loại trừ HCFC-22 và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol.

Liên Hợp Quốc cho biết, nhờ có những nỗ lực bảo vệ tầng ozone, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực hiện đang nhỏ nhất trong ba thập kỷ qua. Sự phục hồi của tầng ozone phần lớn nhờ vào Nghị định thư Montreal, cấm sản xuất và loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone.

Các chất HCFC được dùng phổ biến trong điều hòa không khí, các hệ thống làm lạnh và sản xuất xốp cách nhiệt.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: "Cần phải khuyến khích các quốc gia, các doanh nghiệp thực hiện nghị định thư Montreal để lỗ thủng tầng ozone được phục hồi 100% trong thời gian tới. Hiện chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất HFC, là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí và sản xuất xốp. Để giải quyết thách thức này rất cần sự hợp tác hơn nữa giữa các chính phủ ở cấp độ toàn cầu, giữa các bộ ngành, địa phương, sự tham gia của các đối tác quốc tế và đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan".

Theo Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chất HFC là chất gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng thay thế cho các chất HCFC đang bị loại trừ. Việt Nam đang từng bước xây dựng lộ trình quản lý, loại trừ các chất HFC, hướng đến không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 tại Việt Nam và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045. Đây cũng là nội dung Việt Nam cam kết khi tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hàng năm. Năm nay thế giới bước sang năm thứ 35 năm trên hành trình phục hồi tầng ozone trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Với thông điệp ‘Bảo vệ tầng ozone vì sự sống”, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tầng ozone đối với sự sống trên Trái đất, điều này cần sự hợp tác hài hòa và vì lợi ích tập thể càng phải được đề cao hơn bao giờ hết.

Lễ ký kết Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ở Việt Nam
Lễ ký kết Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ở Việt Nam

Tại Việt Nam, để hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone 16/9. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức về quản lý HCFC, HFC, phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp đã và đang tham gia thực hiện chuyển đổi công nghệ không sử dụng HCFC…

Trước đó, ngày 2/12/2019, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết Biên bản hợp tác về việc phối hợp tổ chức hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí. 

Ngày 20/2/2020, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan ký kết Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ở Việt Nam.

Thủ tướng ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu
Kế hoạch nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư