Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Việt Nam thu hút nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn
Hương Oanh - 13/06/2023 08:57
 
Nhiều nhà sản xuất các thiết bị bán dẫn nhanh chóng công bố gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam - được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của thị trường chất bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến mới của nhiều doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn

Điểm đến mới của nhà sản xuất chip

Gã khổng lồ sản xuất chip Hàn Quốc, Hanmi Semiconductor, cuối tháng 5 vừa qua, công bố chính thức đưa Chi nhánh Hanmi Việt Nam có trụ sở tại TP. Bắc Ninh đi vào hoạt động. Giám đốc điều hành Hanmi Semiconductor, ông Kwak Dong-shin cũng nhấn mạnh cam kết của Công ty trong việc cung cấp các dịch vụ phù hợp cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua công ty con tại địa phương và đội ngũ kỹ sư dịch vụ, bán hàng chuyên nghiệp.

Được thành lập năm 1980 nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc, Hanmi Semiconductor dần phát triển ổn định thành nhà sản xuất chất bán dẫn đẳng cấp thế giới và hiện là nhà thiết kế, phát triển và sản xuất hàng đầu trong ngành thiết bị bán dẫn. “Chúng tôi tin rằng, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn, nên việc thâm nhập thị trường của Hanmi Semiconductor là không thể kịp thời hơn”, ông Kwak Dong-shin nhận định.

Đầu tháng 6/2023, Infineon Technologies AG (công ty chuyên về giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT lớn nhất nước Đức) cũng thông báo mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội. Thông báo này được đưa ra nhân dịp Infineon khai trương văn phòng mới tại Hà Nội, với quy mô lớn hơn, có sức chứa lên đến 80 nhân viên, tập trung chủ yếu ở các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) chip, bán hàng và tiếp thị.

Ông C.S. Chua, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương tin rằng, với dân số gần 100 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang phát triển thành một thị trường trọng điểm và là điểm đến ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm nhân tài kỹ thuật. “Hà Nội tìm cách củng cố vị thế của mình như một trung tâm nghiên cứu và phát triển nổi tiếng quốc tế, có tiềm năng phát triển với các trung tâm của Infineon ở Đức, Áo, Ấn Độ và Singapore”, ông C.S. Chua nhìn nhận.

“Ngôi sao đang lên”

Theo Công ty nghiên cứu Technavio, giá trị thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2025. Việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ IoT và công nghệ nhà thông minh thúc đẩy sự phát triển của thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam và các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn đang được xúc tiến để giải quyết tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Các công ty nước ngoài, gồm Samsung, Hana Micron Vina và Amkor Technology, cùng những công ty khác, tích cực đầu tư vào các dự án này.

Bà Liu Xin, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Công nghệ Laser Ibe Việt Nam chia sẻ, dù mới gia nhập, nhưng Ibe Việt Nam tin rằng, Việt Nam là quốc gia tuyệt vời để đầu tư nhờ nhiều yếu tố tích cực, như tiềm năng thị trường lớn, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương… Cuối tháng 4/2023, Công ty đã đưa nhà máy trị giá 15 triệu USD đi vào hoạt động sau 3 năm xây dựng.

Một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vào cuối tháng 5 cũng nhấn mạnh sự nổi lên nhanh chóng của Việt Nam như một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc, trong bối cảnh các doanh nghiệp này đang phải vật lộn với nhu cầu giảm ở Trung Quốc do xung đột Mỹ - Trung leo thang. BOK cũng đánh giá lạc quan về tiềm năng của thị trường Việt Nam, lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp, khả năng tiếp cận, thuận lợi về vị trí địa lý… với thị trường Trung Quốc. Những yếu tố này đang thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu, bao gồm cả doanh nghiệp Hàn Quốc, xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Theo đó, Samsung Electronics đã chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ vài năm trước. Apple cũng chuyển các bộ phận của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái, trong khi nhiều nguồn tin cho biết, Google đang xem xét việc chuyển địa điểm.

TS. Nguyễn Khắc Giang đến từ ISEAS - Viện Yusof Ishak cho biết, bằng cách nắm bắt chiến lược phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng nâng cao vị thế toàn cầu của mình trong chuỗi giá trị, chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động sang mô hình công nghệ tiên tiến. “Sự thay đổi mang tính chuyển đổi này sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa tham vọng đạt GDP bình quân đầu người vượt 18.000 USD vào năm 2045”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Giang nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hiệu chỉnh lại khung chính sách, thúc đẩy tăng cường các chương trình đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghệ cao và tăng cường các cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam trở thành thị trường mới nổi của ngành công nghiệp bán dẫn
Việt Nam là một thị trường mới nổi trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng tăng trưởng rất lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư