Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của nhà đầu tư Nhật Bản
Thành Vân thực hiện - 09/12/2021 20:26
 
Đó là chia sẻ của ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam về tổng quan hoạt động M&A của nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam.

Thưa ông, Việt Nam đang ở đâu trong chiến lược mở rộng của các công ty Nhật Bản khi nói đến M&A trong thời kỳ đại dịch?

Việt Nam là điểm đến M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản, đứng thứ 6 trong số các quốc gia trên thế giới, theo cơ sở dữ liệu về M&A của RECOF giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2021. Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á, còn trên thế giới, các nước được xếp hạng cao hơn Việt Nam là Mỹ, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với chiến lược mở rộng toàn cầu của các công ty Nhật Bản.

Bất chấp đại dịch, nhiều công ty Nhật Bản vẫn quan tâm đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam cũng được nhiều công ty Nhật Bản ghi nhận. Vì vậy, họ rất nóng lòng được thấy Việt Nam sớm phục hồi sau làn sóng Covid-19 hiện nay.

Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động M&A của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam trong giai đoạn 2020 -2021?

Theo cơ sở dữ liệu về M&A của RECOF, trong năm 2020, số lượng giao dịch M&A của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã giảm từ 15 giao dịch trong nửa đầu năm, xuống còn 8 giao dịch trong nửa cuối năm. Năm 2021, con số tương tự phục hồi lên 13 giao dịch trong nửa đầu năm, bao gồm khoản đầu tư kỷ lục 1,4 tỷ USD vào VPBank Finance của SMBC Consumer Finance, với số tiền đầu tư lớn hơn gấp ba lần tổng số tiền giao dịch M&A được công bố giữa hai nước vào năm 2020.

Năm ngoái, giao dịch đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nghiêm trọng ở Nhật Bản, khiến nhiều công ty Nhật Bản trở nên thận trọng với việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, còn năm nay thì tình hình đại dịch ở Việt Nam đã khiến một số giao dịch bị đình trệ hoặc tạm ngừng. Do đó, nhiều khả năng số lượng giao dịch trong năm nay sẽ tương tự năm ngoái (23 giao dịch), mặc dù ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản sẵn sàng tiếp tục hoặc đẩy nhanh các hoạt động đầu tư của họ ra nước ngoài.

Giao dịch M&A của nhà đầu tư Nhật Bản được thực hiện nhiều nhất ở ngành nào? Các giao dịch đáng chú ý liên quan đến nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Các khoản đầu tư của Nhật Bản vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng trong năm nay,  giao dịch chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực gồm tài chính tiêu dùng (SMBC Consumer Finance/ FE Credit và MUFG-Bank of Ayudhya/ SHB Finance), năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, điện gió và thủy điện), dịch vụ công nghệ thông tin và sản xuất, phân phối thực phẩm.

Đáng chú ý là hai trong số 3 tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản, vốn là những nhà đầu tư tương đối thận trọng, đã tình cờ gia nhập lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cùng trong năm nay. Đây chính là bằng chứng cho thấy niềm tin của họ đối với chi tiêu tiêu dùng cũng như tình hình tài chính, chính trị, xã hội của Việt Nam trong số các nước trong khu vực.

Việt Nam đang mở cửa trở lại biên giới quốc tế, ông có mong đợi sự phục hồi giao dịch M&A của Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian tới không?

Việc mở cửa trở lại biên giới chắc chắn sẽ góp phần tăng đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, các công ty Nhật Bản đang ngày càng tự tin hơn trong việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài sau khi tình hình đại dịch trong nước lắng dịu nhờ tiến bộ trong tiêm chủng. Chúng tôi biết nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang bắt đầu xem xét đến thăm Việt Nam trong vài tháng tới, điều này đang trở nên khác biệt so với “một lúc nào đó trong năm sau”.

Không chỉ giữa biên giới quốc tế, mà còn giữa các thành phố và các tỉnh, việc di chuyển nên sớm được thông thoáng. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam đang đối mặt với thách thức khởi động lại các hoạt động kinh tế, đồng thời phải kiểm soát được đại dịch.

Do những biện pháp giãn cách xã hội cứng rắn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, thậm chí bên bờ vực phá sản. Theo ông, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tận dụng cơ hội như thế nào trong giai đoạn hậu khủng hoảng?

Với tác động của Covid-19, một số công ty Việt Nam đang trở nên cởi mở hơn trong việc chấp nhận đầu tư cổ phần từ các đối tác nước ngoài, nhưng các công ty Việt Nam hiện nay quá bận rộn để đối phó với tình hình dịch bệnh hiện tại và cần thiết phải tổ chức lại hoạt động kinh doanh hàng ngày của họ. Về phía các nhà đầu tư Nhật Bản, có thể họ có khả năng cung cấp vốn, nhưng chưa thể hỗ trợ ngay về hoạt động kinh doanh cho đối tác Việt Nam đang gặp khó khăn.

Các công ty Nhật Bản nên chuẩn bị để nhanh chóng chớp lấy cơ hội, bởi vì các đối thủ cạnh tranh từ nước khác cũng có những cơ hội tương tự. Các công ty Nhật Bản cũng nên có chiến lược rõ ràng để phát triển kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, với sự hợp tác của đối tác Việt Nam.

Các xu hướng chính để đẩy nhanh sự phục hồi của M&A Nhật Bản tại Việt Nam là gì?

Việt Nam tiếp tục thu hút các công ty Nhật Bản như là địa điểm sản xuất cũng như thị trường tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ của họ. Các công ty Nhật Bản được yêu cầu tiếp tục đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả và ổn định và Việt Nam là điểm đến yêu thích nhất cho các hoạt động sản xuất của nhiều công ty Nhật Bản. Liên quan đến vấn đề này, cũng sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, bao gồm logistics, dịch vụ công nghệ thông tin, nhân sự… giúp hỗ trợ chuỗi cung ứng.

Một xu hướng mới sẽ được bổ sung là sự quan tâm ngày càng tăng đến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia đã cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức mới đây ở Anh, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sẽ rất quan trọng. Một số công ty Nhật Bản có vốn đầu tư và chuyên môn trong lĩnh vực này đang quan tâm đến Việt Nam với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Ông sẽ đưa ra lời khuyên nào cho các công ty Nhật Bản đang mong muốn thực hiện giao dịch với công ty Việt Nam trong kỷ nguyên Covid-19?

Cơ hội sẽ không chờ đợi các công ty Nhật Bản quá lâu và thời điểm là vấn đề then chốt, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà đầu tư toàn cầu.

Mặc dù không thể thúc đẩy giao dịch bằng các cuộc họp trực tuyến và phòng dữ liệu ảo, nhưng biên giới quốc gia sẽ sớm rộng mở và các công ty Nhật Bản nên chuẩn bị đầy đủ cho việc sang Việt Nam để đàm phán thực tế và thực hiện các giao dịch, trong trường hợp họ chưa thể bắt đầu quá trình giao dịch ngay lập tức.

Với tư cách là nhà tư vấn M&A, kế hoạch tiếp theo của RECOF  là gì?

Bất chấp những rào cản của Covid-19, chúng tôi đang bận rộn hơn bao giờ hết, có lẽ vì ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang quay lại với chúng tôi hoặc nhà đầu tư mới bắt đầu xem xét các giao dịch, trong khi việc thực hiện các giao dịch bị chậm vì nhiều trở ngại do đại dịch, vì vậy số lượng giao dịch trong danh sách của chúng tôi đang ngày càng được tích lũy thêm.

Chúng tôi đang thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực như logistics, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ liên quan đến bất động sản. Tất cả đều phù hợp với các lĩnh vực tăng trưởng mà mọi công ty Việt Nam và Nhật Bản đang chú trọng.

Nguồn vốn cho M&A từ Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục hướng về Việt Nam
Bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn là thị trường M&A hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2022 nhờ triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư