Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19
Với những biện pháp điều hành rất hiệu quả của Chính phủ, Việt Nam rất đáng tự hào khi đã đạt được mục tiêu kép - vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh.
Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

“Anh thật là may mắn khi được làm việc tại Việt Nam. Người Việt Nam thật sự hạnh phúc khi có được cuộc sống bình thường, đến nhà hàng, đi du lịch trong nước và con cái của họ có thể đến trường học trực tiếp trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và ngăn cản những sinh hoạt này ở nhiều quốc gia khác”, một đồng nghiệp ở nước ngoài đã nói với tôi.

Hơn ai hết, là một công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ trung tuần tháng 8/2020, tôi rất thấm thía điều này. Bằng chứng rất rõ ràng là, vào thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, thì Việt Nam luôn vững vàng và kiểm soát thành công những đợt bùng phát mới.

Năm 2020, dù kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,91%, mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong thập kỷ qua, nhưng thành tích này rất đáng ghi nhận, vì đây là một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi toàn cầu với những tổn thất to lớn về sinh mạng và thiệt hại kinh tế vô cùng nặng nề. Với những biện pháp điều hành rất hiệu quả của Chính phủ, Việt Nam rất đáng tự hào khi đã đạt được mục tiêu kép - vừa duy trì được mức tăng trưởng dương, vừa kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tài khóa như giãn thuế là rất kịp thời và hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Nhân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cung cấp hỗ trợ tín dụng thông qua cơ cấu lại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất cho các khoản vay hiện có và lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mới cho các lĩnh vực được ưu tiên. Tuy nhiên, vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành và các địa phương trong việc tăng cường phổ biến thông tin về các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ này. Cần có những hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về quy trình triển khai và đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp thực hiện.

Người Việt Nam thật sự hạnh phúc khi có được cuộc sống bình thường, đến nhà hàng, đi du lịch trong nước và con cái của họ có thể đến trường học trực tiếp trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và ngăn cản những sinh hoạt này ở nhiều quốc gia khác.

Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn, nhưng cũng là năm ghi nhận những nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch với những hậu quả nghiêm trọng, như mất cân đối dòng tiền và gián đoạn các chuỗi cung ứng. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm số lượng lao động, ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, thậm chí phá sản.

Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi chiến lược, tranh thủ thời cơ để tái cơ cấu, đào tạo lại nhân viên, tập trung nhiều hơn vào việc khai thác thị trường trong nước nhằm đáp ứng thị trường tiêu dùng, đảm bảo nguồn cung trong nước. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tận dụng cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và bắt kịp xu hướng chuyển đổi số.

Nhờ những chính sách có hiệu quả của Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã duy trì khá tốt động lực tăng trưởng, khai thác các cơ hội từ sự chuyển dịch và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng trong khu vực và quốc tế, củng cố thêm nền tảng đã có để ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực năm 2021.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022. Mức tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định có được là nhờ thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chất lượng tăng trưởng vẫn quan trọng hơn những con số cụ thể.

ADB đề xuất, Việt Nam vẫn phải tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng trong năm 2021 để đảm bảo quá trình phục hồi bền vững và bao trùm, đồng thời đẩy nhanh những cải cách kinh tế theo hướng kiến tạo và đổi mới, cũng như thân thiện hơn với môi trường, bên cạnh việc tăng cường quản lý rủi ro trong điều kiện “bình thường mới”.

Thực tế đã cho thấy, kinh tế trong nước không thể tách rời thị trường bên ngoài. Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, cũng như tình hình kinh thế quốc tế có thể diễn biến ngày càng phức tạp với sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính. Giờ là thời điểm thích hợp để Việt Nam nhìn nhận sâu sắc hơn về các vấn đề sản xuất và thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, vì xuất khẩu tăng trưởng cao, trong khi tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị xuất khẩu còn thấp, khi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 70%.

Việt Nam cần tận dụng triệt để các cơ hội và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để có thể trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho ngành chế biến - chế tạo do các doanh nghiệp FDI làm chủ và nâng cao giá trị gia tăng cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tìm cách củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được hưởng những sản phẩm tốt nhất được sản xuất trong nước.

Khi đề cập việc nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu quả sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, không thể không nhấn mạnh vai trò và sức mạnh của chuyển đổi kỹ thuật số hiện không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang trong giai đoạn đầu ở Việt Nam. Tận dụng tốt cơ hội này để bứt phá, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế số trong tương lai.

Ở cấp độ chính sách, Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định chuyển đổi số là chìa khóa để chủ động bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi đã thấy các cơ quan và các đơn vị được thành lập để xử lý quá trình chuyển đổi số. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chuyển đổi số ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả cao.

Ở cấp độ doanh nghiệp, chuyển đổi số có thể bắt đầu bằng việc tạo diễn đàn kết nối cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với các ứng dụng, giải pháp số nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia cũng đã chỉ ra những thách thức cản trở chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam, như thiếu thông tin về công nghệ số mới, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ để ứng dụng và khai thác công nghệ số, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, chi phí ứng dụng công nghệ số cao, rủi ro về bảo mật dữ liệu và an toàn của các giao dịch số.

Rất may mắn là các công nghệ số như điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… đã được doanh nghiệp các nước đưa vào triển khai tại Việt Nam. Với lợi thế này, các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực công nghệ số để có được những giải pháp hiệu quả nhất mà vẫn tiết kiệm được chi phí và thời gian.

Covid-19 cũng đã tạo ra cơ hội để khẳng định vai trò của công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống xã hội. Trong đại dịch, công nghệ số có thể coi như một nhân tố giúp đảm bảo sự phục hồi bền vững và toàn diện. Covid-19 đã tạo ra cú hích thúc đẩy chuyển dịch số để đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cũng như các hình thức dịch vụ mới nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, như mua hàng trên mạng hoặc thanh toán qua mobile banking hay qua các ví điện tử…

Chúng tôi cũng rất vui mừng được chứng kiến sự hợp tác giữa ADB với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam, khuyến khích áp dụng fintech nhằm đẩy mạnh tài chính toàn diện. ADB cũng đã lồng ghép chuyển đổi số trong một số lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như đưa hệ thống cảnh báo sớm thiên tai vào các dự án khắc phục và hạn chế hậu quả thiên tai ở một số địa phương miền Trung. Chúng tôi cũng đang tiến hành đàm phán với các bộ, ngành và địa phương về những giải pháp công nghệ số thông minh cho các đô thị.

Với những nền tảng vững chắc đã có, với Chính phủ mới cam kết mạnh mẽ tiếp tục hoàn thiện thể thế, chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, Việt Nam có thể tự tin vượt qua đại dịch và phục hồi mạnh mẽ trong những năm tới.

Dập dịch là yếu tố cốt tử để vực dậy nền kinh tế
Kinh tế Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong bối cảnh ấy, giải pháp cốt tử là nhanh chóng dập dịch để hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư